Bà Ngô Minh Hà (Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) khi đi chợ gần nhà bỗng giật mình vì giá rau xanh tăng quá cao. Một mớ rau muống có giá tới 24.000 đồng trong khi vài ngày trước bà mua với giá 10.000 - 13.000 đồng/mớ. Các loại rau như mồng tơi, cải xanh tăng gấp ba với giá 15.000 đồng/mớ khi trước chỉ 5.000- 7.000 đồng/mớ.
Giá củ quả cũng tăng nhanh không kém khi bí xanh tăng gấp đôi lên 20.000 đồng/kg, cà rốt 30.000 đồng/kg... "Bình thường mua rau chỉ mất 30.000 đồng, nay lên gấp đôi, ngang tiền thịt", bà Hà than thở.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại các chuỗi siêu thị lớn cho thấy giá rau xanh cũng đang "neo" ở mức cao, ví dụ như rau muống 21.000 đồng/mớ, bắp cải 23.000 đồng/bắp, cà chua gần 30.000 đồng/kg...
Nguyên nhân giá rau tăng được tiểu thương chia sẻ là do 2 tuần gần đây Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận mưa liên tục dẫn đến rau bị hư hỏng nhiều.
Đại diện HTX rau Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) cho hay: Mưa nhiều ngày, cùng thời tiết lạnh đột ngột khiến 100% rau ăn lá bị ảnh hưởng. Sản lượng rau của HTX sụt giảm 50%, trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là các loại rau cải: cải ngồng, cải mơ… Một số loại rau vụ hè thu sắp hết mùa như rau muống, mùng tơi, rau dền cũng giảm sản lượng, trong khi các loại rau vụ đông mới bắt đầu gieo trồng, chưa kịp lớn.
Hà Nội tìm cách bổ sung nguồn cung nông sản
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thời tiết ảnh hưởng đến giá cả nông sản, gây khan hàng cục bộ thường xuyên xảy ra, đặc biệt với mặt hàng rau củ. Tuy nhiên, nhiều năm Hà Nội vẫn chưa có phương án bổ sung nông sản từ các tỉnh thành nên người tiêu dùng thi thoảng lại bị "ngã ngửa" với giá cả.
Tại chương trình liên kết nông sản Hà Nội với 40 tỉnh thành phố cuối tuần qua, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết tự thân thành phố mới chỉ sản xuất được 30 - 65% nhu cầu nông sản.
Theo bà Lan, tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản còn rất nhiều khó khăn trong quý IV/2021, do đó, ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị phục vụ cho Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
Đối với liên kết nông sản với các tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định: “Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Market, BigC, Aeon Mall...".
Tuy nhiên, trên hệ thống phân phối của Thủ đô vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí về số lượng, sản lượng, chất lượng cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, số lượng những sản phẩm mang tính vùng miền, sản phẩm OCOP còn rất ít nên việc vận chuyển, tạo đà xuất khẩu vẫn còn bị hạn chế.
Do đó, bà Lan đề nghị: "Các địa phương cần tiếp tục rà soát sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
"Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Theo Hiểu Minh (Tiền Phong)