Do không có chế tài xử lý, giá cước taxi vẫn chưa giảm mặc cho giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 5 lần liên tiếp.
Mặc cho giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 5 lần liên tiếp, giá cước taxi vẫn chưa giảm tương xứng, thậm chí còn đứng yên. Điều này khiến dư luận thêm một lần dậy sóng.
Mật độ taxi tại Hà Nội đang cao gấp nhiều lần các TP lớn trong khu vực. |
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, đây không phải là lần đầu tiên các hãng vận tải “chây ỳ” trong việc giảm giá cước. Nghịch lý tăng nhanh, giảm chậm ở Việt Nam đã lặp đi lặp lại suốt 5 năm qua. Tháng 5/2015, khi giá xăng lập đỉnh, nhiều hãng taxi đã đồng loạt tăng giá. Ví dụ như tại TP HCM, Vinasun và Mai Linh đã kê khai tăng giá 3-4%. Tại Hà Nội, Taxi Group tăng 3,6%...
“Vì thế, tôi không thể hiểu nổi tại sao phải chờ mặt bằng giá xăng ổn định thì mới điều chỉnh cước vận tải. Sao lúc xăng tăng giá thì vận tải không chờ “mặt bằng giá xăng ổn định”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,23%. Với mức giảm đó, giá cước vận tải phải giảm tương ứng. Nếu ở Hà Nội, cước taxi khoảng 11.000-12.000 đồng/km thì giảm khoảng 448-685 đồng/km. Còn tại TP HCM giá cước taxi khoảng 14.500-15.500 thì giảm được 591-884 đồng/km. Riêng đối với xe chạy dầu, chi phí dầu chiếm 35-45%, giá cước sẽ giảm khoảng 6-7,75% tùy loại xe.
Giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Cụ thể, cước taxi trung bình ở TP HCM là khoảng 14.000 đồng mỗi km, Hà Nội là 11.000 đồng. Trong khi đó, ở Bangkok (Thái Lan) chỉ là 3.800 đồng, Manila là 5.700 đồng, Jakarta là 6.300 đồng hay Singapore cũng chỉ 8.700 đồng.
Cụ thể phí để in bảng giá mới, kiểm định công tơ, đặt lại giá đồng hồ mất khoảng 200.000 đồng một xe. Nếu những doanh nghiệp có khoảng 1000 đầu xe trở lên thì đây là số tiền không nhỏ.
Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc HTX vận tải Sông Hồng cho rằng, những ngày gần đây dư luận đặt áp lực lên các DN vận tải là không thỏa đáng. Để giảm được giá cước, doanh nghiệp vận tải cần có công văn gửi lên Sở Tài chính, sau khi được sự đồng ý của Sở Tài chính, thì chuyển công văn sang Sở Giao thông Vận tải, khi nhận được sự đồng ý thì chuyển sang Cục thuế. Sau khi được duyệt, doanh nghiệp sẽ in lại bảng giá mới dán trong và ngoài xe, cài đặt lại giá đồng hồ, kiểm định lại đồng hồ đo cước. Vì thế, để làm hết các thủ tục này doanh nghiệp cần khoảng 2 tuần.
Tuy nhiên, việc chậm giảm giá cước không chỉ do thủ tục hành chính mà nguyên nhân chính là do các hãng taxi luôn giữ cố định tỷ lệ khoán doanh thu cùng với nhiều loại phí đổ hết lên đầu tài xế. Cụ thể, nếu thuê xe thì lái xe phải trả cho hãng mỗi tháng 8-10 triệu đồng, tiền đàm và thương hiệu là 1,7-2,5 triệu đồng một tháng. Còn nếu “mua đứt” xe, ngoài tiền xe thì tài xế phải trả thêm tiền chênh vào khoảng 20-100 triệu đồng một xe, tùy từng thương hiệu của hãng.
Bất kể xăng tăng hay giảm, các hãng taxi vẫn giữ cố định tỷ lệ này, còn lái xe phải “còng lưng” gánh, ra sức cày để thu lại vốn đầu tư. Đây chính là nguyên nhân khiến việc giảm giá cước trở nên chật vật.