Tờ Nikkei của Nhật Bản vừa ghi nhận về một vài nhà bán lẻ điện tử Việt Nam đang gấp rút mở rộng sang mảng kinh doanh dược phẩm, trước khi những công ty nước ngoài gia nhập thị trường.
Cụ thể, FPT Retail – chuỗi bán lẻ di động lớn thứ 2 cả nước vừa tiết lộ kế hoạch mở rộng chuỗi nhà thuốc trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tuần trước. Công ty này đã mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu vào năm 2017 và đang nhắm tới việc mở thêm 30 địa điểm nữa trong năm 2018 này so với con số 10 hiện tại.
Công ty này đặt mục tiêu mở 100 nhà thuốc mới hàng năm trong 4 năm với tham vọng kiểm soát 30% thị phần bán thuốc của toàn thị trường Việt Nam vào năm 2022.
"Công ty sẽ tận dụng kinh nghiệm điều hành chuỗi bãn lẻ và phong cách quản lý hệ thống công nghệ thông tin để đạt được mục tiêu này", CEO Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ với tờ Nikkei.
Hồi tháng 12, Thế giới di động cũng mua cổ phần tại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Còn Digiworld thì tiết lộ kế hoạch tham gia vào mảng kinh doanh phân phối thuốc.
Tiềm năng thị trường dược phẩm nội địa đang thu hút các công ty này đầu tư vào mảng bán lẻ và phân phối thuốc. Doanh thu thị trường dự kiến đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng hơn 60% so với con số 4,7 tỷ USD năm 2017.
Lượng chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người cũng tăng gấp 4 lần lên mức 40 USD trong 10 năm tính tới 2015. Con số này dự kiến đạt 55 USD vào năm 2021 nhờ tốc độc tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập tăng, quá trình đô thị hóa được đẩy nhanh và dân số ngày một đông đúc..
Hiện Việt Nam vẫn chưa cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chi nhánh tham gia phân phối và bán lẻ dược phẩm.
Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể gia nhập thị trường Việt Nam bằng cách thành lập liên doanh với đối tác địa phương. Hoặc một doanh nghiệp nước ngoài sẽ chỉ được nhập khẩu và bán thuốc cho hơn 1.000 nhà phân phối trong nước được cấp phép.
Các chuỗi cung ứng thuốc nhập khẩu cho Việt Nam gồm có Diethelm của Singapore, Zueling Pharma của Malaysia và Mega Lifesciences của Thái Lan.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường cho các đơn vị nước ngoài là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. Chính bởi vậy các nhà bán lẻ nội địa phải hành động trước khi cuộc chơi trở nên khó khăn hơn. Họ cũng nhìn thấy rõ tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này. Theo thống kê của Bộ Y tế, 57.000 hiệu thuốc ở Việt Nam hiện nay đều có quy mô nhỏ lẻ, gia đình.
Trong khi đó, sản lượng thuốc trong nước chỉ đáp ứng 45% nhu cầu và việc nhập khẩu thuốc từ các quốc gia như Pháp, Ấn Độ và Đức tăng 16% mỗi năm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ y tế Lê Văn Truyền cho rằng Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đang "mở van" cho hoạt động kinh doanh dược, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng 80% nhu cầu nội địa vào năm 2020.
Bộ luật này khuyến khích sự tham gia của nhiều bên hơn gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với những ưu đãi về sản xuất dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, các loại thuốc thiết yếu, thuốc đặc trị bệnh xã hội, vaccine, cũng như cải tiến hệ thống phân phối.Các doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang cũng đã chính thức nới room hoàn toàn cho đối tác ngoại sau khi bán 24,5% cổ phần cho công ty dược Taisho của Nhật Bản.
Tờ Nikkei cho biết tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng vừa mua lại một nhà sản xuất thuốc địa phương và lên kế hoạch sớm xây dựng một nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô.
Dù Việt Nam vẫn chưa cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham dự vào việc bán lẻ và phân phối dược phẩm nhưng các chính sách giảm thuế suất dược phẩm, mở cửa lĩnh vực sản xuất đã giúp tăng số lượng các nhà sản xuất dược trong và ngoài nước lên 180 công ty.
Các doanh nghiệp dược nước ngoài tại Việt Nam có thể kể đến Sanofi của Pháp, Abbott của Mỹ, Stada của Đức và Nipro của Nhật đang trực tiếp đầu tư vào các liên doanh và mua cổ phần của các công ty địa phương.
Những công ty trong nước lớn trong nước có Traphaco, Domosco, Imexpharma, OPC Pharmaceutical, Cửu Long Pharmaceutical Savipharm và Pymepharco.
Theo Vân Đàm (Soha/Trí Thức Trẻ)