Giá điện đã tăng thêm 6,08% lên mức bán lẻ bình quân mới 1.720,65 đồng một kWh từ 1/12.
Theo công bố của Bộ Công Thương, năm 2016 doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng một kWh. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 594 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan tới sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của tập đoàn này gần 3.252 tỷ đồng, đã giúp EVN lãi 2.658 tỷ.
"Tại sao ngành điện đang lãi nhưng giá điện bán lẻ thêm 6,08% vào thời điểm này?" là câu hỏi được báo giới đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công Thương.
Trả lời câu hỏi trên ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, do chi phí sản xuất kinh doanh cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong sản xuất kinh doanh điện.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 sau giảm trừ thu nhập từ nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện... là trên 266.104 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng một kWh.
Nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm và Đảo bé, Đảo Lý Sơn và các xã, đảo Khánh Hòa tương ứng lần lượt bằng 9,5 - 28,6% giá thành điện thực tế ở các đảo. Chi phí sản xuất điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016.
Với thực tế này, doanh thu bán điện năm 2016 hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng kWh.
Trên cơ sở chi phí sản xuất cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ gần 594 tỷ đồng, nhà chức trách đã tính toán và đề xuất phương án tăng giá bán lẻ điện. Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc tăng giá điện lần này đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam...
"Nguyên tắc của Tổ công tác là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào", Thứ trưởng Công Thương nêu.
Trong quá trình kiểm tra, Tổ công tác của Chính phủ đánh giá giá thành điện dựa trên cơ sở chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.
Tổ công tác cũng kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.
"Mức tăng giá điện lần này đã có sự tính toán kỹ lưỡng của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN tác động tới kinh tế vĩ mô, lạm phát và ảnh hưởng tới người dân", người phát ngôn Bộ Công Thương khẳng định.
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, điều hành giá điện được đưa ra trên cơ sở sản xuất kinh doanh điện của năm liền kề trước đó. Theo quyết định 24, nếu các yếu tố đầu vào giá điện như than, khí, tỷ giá... làm giá thành điện tăng từ 3% trở lên thì cơ quan quản lý được phép xem xét, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện. "Tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh điện chỉ là một yếu tố để điều chỉnh giá điện", ông Tuấn nhấn mạnh.
Mức giá bán lẻ điện lần này có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Một yếu tố khác được Cục trưởng Điều tiết điện lực nhắc tới là chi phí đầu vào sản xuất điện như giá than bán cho điện đã tăng từ giữa năm 2017, giá khí cũng tăng... Đáng nói nhất là khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá của ngành điện hiện đang rất lớn, luỹ kế gần 9.800 tỷ đồng đến cuối năm 2016.
Khoản lỗ tỷ giá này gồm 8.510 tỷ đồng của các đơn vị do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn và gần 1.290 tỷ đồng từ các công ty cổ phần có vốn góp chi phối. Đơn vị đang gánh khoản lỗ tỷ giá lớn nhất là Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 với hơn 3.374 tỷ đồng, thấp nhất là Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại trên 185 tỷ.
Giải thích về điều này, đại diện Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán độc lập của EVN cho biết, thực tế trong 2 năm (2014 -2016) sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn đều lỗ, trong đó có khoản chênh tỷ giá gần 9.800 tỷ đồng vẫn treo, chưa được hạch toán vào giá điện.
Lỗ tỷ giá phát sinh do nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng các dự án điện trong quá trình sản xuất kinh doanh của EVN lớn nên tập đoàn phải huy động vay vốn cả trong, ngoài nước. Trong khi vốn vay trong nước bị khống chế tỷ lệ vào lãi suất cao, EVN đã tìm tới nguồn vay từ nước ngoài có lãi thấp hơn, song lại phải chịu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.
Dù 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách điều hành tỷ giá ổn định nhưng không có nghĩa giá ngoại tệ "dậm chân tại chỗ" mà tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng lên đáng kể. Vì thế chênh lệch tỷ giá cộng dồn lại lớn, gần 9.800 tỷ đồng và khiến EVN rơi vào trạng thái "vừa lãi vừa lỗ".
"Theo chuẩn mực kế toán, lỗ tỷ giá này phải đưa vào báo cáo ngay lập tức. Tuy nhiên, do giá điện không thể tăng ngay được, nên Chính phủ cùng các bộ ban ngành cho phép EVN được treo phần lỗ tỷ giá này và phân bổ dần từng năm", đại diện đơn vị kiểm toán độc lập lý giải.
Ông Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng nếu toàn bộ khoản lỗ tỷ giá này đưa hết vào giá điện thì "sức ép tăng giá sẽ rất lớn". "Đợt tăng giá bán lẻ điện lần này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành", ông nói, đồng thời cho biết tuỳ tình hình sản xuất từng năm Chính phủ đã đồng ý cho phép ngành điện phân bổ số lỗ tỷ giá của các năm trước dần từ nay tới 2020.
Cục trưởng Điều tiết điện lực cũng khẳng định, dù tăng giá điện nhưng ảnh hưởng tới sản xuất, người dân sẽ hạn chế tối đa. Việc tăng giá điện sẽ tác động 0,07% chỉ số sản xuất và 0,08% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2017.
Phương án tăng giá điện không nên là 'tài liệu mật'
Góp ý về tính minh bạch đối với quá trình kiểm tra giá điện, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, đánh giá do chưa có thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa nên giá bán điện hiện đang được tính dựa trên tổng chi phí và tổng sản lượng điện sản xuất. Tuy vậy, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện đã có bước tiến về minh bạch. Nhưng để minh bạch hơn nữa, ông Đức góp ý, các tài liệu về phương án giá điện không nên đóng dấu mật như hiện nay để có thể công bố, lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ người dân. "Cần thay đổi, không nên để cơ chế tài liệu mật với phương án giá điện", ông Đức nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc đi kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêuphần trăm thì chỉ do bên bán điện quyết. Vì thế nên tăng tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia vào quá trình này.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)