Tính đến cuối năm 2017, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam là 49,46 tỷ USD, xếp thứ hai sau Hàn Quốc. Làn sóng đầu tư này kéo theo các nhà bán lẻ Nhật xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều như các chuỗi trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi Aeon mall, 7-Eleven, Ministop… Tuy nhiên, ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ Việt muốn vào Nhật Bản lại không phải là chuyện dễ.
Tại hội thảo “Sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản” chiều 30/10, trong khi các chuyên gia ngành bán lẻ Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng về thị trường, thì các doanh nghiệp Việt lại lo lắng vì “miếng bánh” không “dễ xơi”.
Nhu cầu rất cao về thực phẩm
Các chuyên gia bán lẻ Nhật Bản cho rằng sự thay đổi cấu trúc dân số là một trong những nguyên nhân tác động đến ngành bán lẻ nước này hiện nay và trong tương lai.
Ông Tetsuichiro Tomihari - Giám đốc khối triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản, luôn nhắc đến cụm từ “trẻ con ít, người già nhiều” khi nói về dân số Nhật Bản. Ông cho rằng đây là từ ngữ truyền thông Nhật luôn dùng khi nói đến các vấn đề xã hội của đất nước.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ người già trên 65 tuổi của Nhật đang ở con số cao kỷ lục, chiếm 26,6% và có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng.
“Số hộ gia đình tiếp tục tăng, tỷ lệ sinh giảm và dân số già sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ thực phẩm. Ngược lại, sự lão hóa càng làm tăng chi phí mua thực phẩm, nguyên nhân là họ càng mua nhiều sản phẩm tươi sống hơn”, ông Tomihari khẳng định.
Đại diện Hiệp hội siêu thị Nhật Bản cũng cho biết thêm chi tiêu của các gia đình tại xứ sở hoa anh đào hiện nay là con số hấp dẫn, đáng mơ ước với ngành bán lẻ và các siêu thị. Nguyên nhân là liên quan sự thay đổi trong cấu trúc hộ gia đình của người Nhật.
“Hiện Nhật Bản có xu hướng đang ngày càng tăng hộ 1 người, giảm hộ 2-3 thành viên. Trong khi hộ 1 người chi tiêu khoảng hơn 4 triệu đồng mỗi tháng cho hàng thực phẩm thì hộ 6 người cũng chỉ tốn khoảng hơn 10 triệu đồng, tức trung bình chưa đến 2 triệu đồng/người. Rõ ràng, khi so sánh chi tiêu, con số này là đáng mơ ước với ngành bán lẻ”, ông nói.
Các chuyên gia cũng cho biết siêu thị là kênh mua sắm chủ yếu của người Nhật. Người tiêu dùng Nhật Bản thường chọn siêu thị để mua thực phẩm và các vật dụng trong gia đình.
Ngoài siêu thị thì cửa hàng tiện lợi, drugstore, thương mại điện tử là những kênh mua sắm khác quen thuộc với người trẻ. Các chuyên gia cho rằng với sự đa kênh này, “miếng bánh” trong ngành bán lẻ thực phẩm ở Nhật Bản đang rất béo bở, với nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hy vọng cung ứng nhưng mới dừng ở gia công
Bị hấp dẫn trước thị trường bán lẻ Nhật Bản, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt lại cho rằng “miếng bánh” này không dễ ăn. Nguyên nhân đầu tiên là cánh cửa để vào được thị trường Nhật Bản không hề dễ dàng bởi những tiêu chí khắt khe.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc công ty CP Saigon Food, cho hay hiện doanh nghiệp của bà chỉ gia công sản phẩm theo các đơn đặt hàng của Nhật rồi xuất khẩu sang thị trường nước này. Việc “tự thân vận động” rồi bắt tay với các siêu thị Nhật Bản để bán hàng là chưa có.
“Người Nhật rất quan trọng chất lượng sản phẩm. Ngay khi hợp tác gia công, từ nguyên liệu, quy trình, công nghệ, kiểm soát đều do họ cung cấp và quản lý. Ngoài ra, người Nhật cũng rất quan tâm dịch vụ hậu mãi sau khi mua sản phẩm. Trong khi đó, những điều này doanh nghiệp Việt vẫn hạn chế”, bà Lâm nói.
Đại diện Saigon Food cho rằng trong khi nguyên liệu Việt Nam khá bấp bênh, chất lượng và sản lượng còn bị ảnh hưởng bởi mùa vụ, thời tiết nên không thể đáp ứng tiêu chí về thực phẩm của Nhật Bản.
Dưới góc độ chuyên gia về siêu thị và ngành hàng bán lẻ Nhật, ông Tetsuichiro Tomihari cũng thẳng thắn nhìn nhận công nghệ và con người là khâu hiện các doanh nghiệp Việt còn yếu.
Theo ông, công nghệ bảo quản thực phẩm ở một nhiệt độ nhất định rất quan trọng giúp sản phẩm không bị thay đổi hình dạng, chất lượng và đảm bảo sức khỏe. Người tiêu dùng Nhật Bản rất quan trọng yếu tố này.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để vào được Nhật Bản?
Đầu vào khắt khe nhưng hầu hết doanh nghiệp Việt đều cho rằng Nhật Bản là thị trường quan trọng và muốn sản phẩm của họ có mặt trong tương lai. Nguyên nhân là nếu đáp ứng các tiêu chí của Nhật thì cơ hội lấn sân sang những thị trường khác sẽ dễ dàng hơn.
Giám đốc triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản cho biết các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm vào thị trường tiêu thụ Nhật Bản phải thông qua các đại sứ quán, tham tán thương mại để làm cầu nối.
Ông cho rằng do đặc thù kinh doanh của người Nhật, việc được kết nối với một bên thứ 3 có kinh nghiệm kiểm định ngay từ bước đầu khiến họ an tâm hơn, giúp cho việc đàm phán, đưa sản phẩm vào tiêu thụ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ giảm áp lực về hàng rào thuế quan. Tôi thấy rằng, riêng mảng thực phẩm thì trái cây và các loại gia vị dùng trong nấu ăn đang được người tiêu dùng tại Nhật rất chuộng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tomihari nói.
Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu, tập trung phát triển món phở để đưa sang Nhật. Ông cho rằng phở là món ăn truyền thống của Việt Nam, có rất nhiều ở Nhật và được ưa chuộng, tuy nhiên lại không phải mang thương hiệu của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến áp dụng công nghệ, thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm Việt. Từ đó, mới có thể mang thương hiệu của mình đến thị trường Nhật Bản”, Giám đốc triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản tư vấn.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)