Vì sao công ty của chồng Thu Minh chịu trả nợ cho công ty này nhưng từ chối công ty khác?

18/08/2016 15:17:00

Sau "phát pháo" công ty Gia Hân tố cáo ông Otto - chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo 20 tỷ đồng, từ đây bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ lên tiếng tố cáo vì bị lừa trong các hợp đồng làm ăn. Đại diện công ty Gia Hân cho biết trong hôm nay (18/8) sẽ tung lên mạng những đơn thư tố cáo này.

Sau "phát pháo" công ty Gia Hân tố cáo ông Otto - chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo 20 tỷ đồng, từ đây bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ lên tiếng tố cáo vì bị lừa trong các hợp đồng làm ăn. Đại diện công ty Gia Hân cho biết trong hôm nay (18/8) sẽ tung lên mạng những đơn thư tố cáo này.

Trong số các công ty kinh doanh mặt hàng gỗ chuẩn bị "lên tiếng" việc công ty của chồng ca sĩ Thu Minh - Global Home từ chối thanh toán các khoản nợ, có một doanh nghiệp lớn cho biết ngay sau khi họ gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an, Global Home đã "xuống nước" chấp nhận thanh toán và nhận lại toàn bộ số hàng tồn kho hiện nay trị giá gần 300.000 USD.

Với cùng lý do hàng kém chất lượng, vì sao công ty của chồng Thu Minh chịu trả nợ cho công ty này nhưng từ chối công ty khác?

Theo đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra về kinh tế chức vụ (PC46) của Xí nghiệp Gỗ, vào ngày 26/12/2013, công ty Vinafor đã ký hợp đồng sản xuất và cung cấp số 64 với công ty Global Home K.S có trụ sở đặt tại Cộng Hoà Czech (bên mua hàng) do ông Otto De Jager - cùng quốc tịch làm đại diện pháp lý.

Theo hợp đồng này thì Xí nghiệp Gỗ sản xuất và bán cho đối tác các loại giường, tủ, bàn ghế theo chủng loại, kiểu dáng, màu sắc do Global Home thiết kế và chỉ định. Hàng hoá được giao theo giá FOB tại Đà Nẵng và đều được đóng dấu kiểm định chất lượng của Global Home. Từ 2013-2014 Xí nghiệp Gỗ đã sản xuất và giao hàng đầy đủ theo đúng hợp đồng và phía đối tác cũng đã thanh toán sòng phẳng cho từng lô hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất hàng, Global Home không đưa ra lịch xuất và số lượng đúng như từng đơn hàng đã ký kết. Điều này đã dẫn đến lượng hàng tồn tại Xí nghiệp Gỗ rất lớn, tổng giá trị từ 5/2013 đến nay trị giá là 203.237USD. Bên cạnh đó là lô gỗ Tần Bì 200m3 được nhập về theo yêu cầu của Global Home trị giá 61.049USD.

Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Xí nghiệp Gỗ cho biết một số trường hợp chậm trễ trong giao hàng, vấn đề chất lượng trong một số đơn hàng (gọi tắt là PO) đầu tiên (PO 01 - PO 02) đã được hai bên bàn bạc giải quyết ổn thoả. Các PO khác công ty đã sản xuất đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hàng được nhân viên kiểm tra chất lượng (QC) của Global Home xác nhận đóng dấu trên từng sản phẩm và đóng gói.

Bắt đầu từ đây hai bên đã xảy ra tranh chấp! Theo đó, vào tháng 5/2015, sau nhiều lần yêu cầu từ nhà máy về việc xuất hàng tồn, công ty của Otto yêu cầu chuyển hàng vào kho ngoại quan tại TP.HCM. Tuy nhiên, điều này không đúng với hợp đồng (giao hàng tại Đà Nẵng) nên Xí nghiệp Gỗ đề nghị đối tác phải chịu chi phí vận chuyển vào TP.HCM nhưng bị từ chối.

Từ đó trở đi, Xí nghiệp Gỗ liên tục gửi đề nghị ông Otto thanh toán cũng như xuất hàng tồn kho, nhưng Global Home từ chối với lý do ông Otto không có ở Việt Nam. Đến tháng 7/2015, sau nhiều lần hẹn thanh toán tiền còn nợ, ông Otto đã gửi một email cho Xí nghiệp Gỗ và đưa ra nhiều lý do để đổ lỗi cho nhà máy chế biến và yêu cầu giảm giá 30% số hàng còn lại và chuyển hàng vào kho của Global Home tại TP.HCM. Đến tháng 8/2015, ông Otto tiếp tục yêu cầu giảm giá số hàng trên đến 50% mới chấp nhận nhận hàng.

Tuy nhiên, Xí nghiệp Gỗ chỉ đồng thuận giảm giá 15% để hai bên còn hợp tác, nhưng ông Otto từ chối và đã đơn phương rút lại tiền đặt cọc thực hiện hợp đồng là 20.000 USD. Theo phía công ty Vinafor Đà Nẵng, điều này trái với quy định của hợp đồng và cho thấy dấu hiệu thiếu trách nhiệm với đối tác của ông Otto.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Trung cho biết do ông Otto là người nước ngoài thường đi lại làm ăn với nhiều đối tác tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, ông có thể dễ dàng qua lại nhiều nước nên có "trốn tránh" khi có tranh chấp. Do vậy công ty quyết định gửi đơn tố cáo đến PC46 để có biện pháp ngăn chặn hành vi này.

Trong email gửi cho Xí nghiệp Gỗ ngày 18/7/2015, ông Otto cũng đã xác nhận một phần trong các lỗi từ phía Global Home là đội ngũ QC của ông kém năng lực trong kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, Global Home yêu cầu thay đổi kết cấu sản phẩm, màu sơn do Global Home đưa sai và yêu cầu Xí nghiệp Gỗ sửa lại tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng...

Khẳng định với chúng tôi, ông Trung cho biết sau khi công ty gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, những tháng đầu năm 2016 lập tức phía Global Home đã đồng ý ngồi lại cùng thương lượng. "Sau nhiều lần trao đổi thư điện tử qua lại, chứ chúng tôi chưa hề được gặp gỡ đại diện nào của phía đối tác, họ đã đồng ý nhận lại toàn bộ số hàng trị giá trên. Để đạt được thoả thuận này, chúng tôi chấp nhận giảm giá 15% theo yêu cầu của Global Home", ông Trung nói.

 Khoải phải thu đối với Global Home của Vinafor Đà Nẵng đã được giải quyết trên bảng cân đối kế toán cuối năm 2015
Khoải phải thu đối với Global Home của Vinafor Đà Nẵng đã được "giải quyết" trên bảng cân đối kế toán cuối năm 2015

Cũng theo ông Trung, do hàng tồn kho một thời gian dài ở nhà máy, nên hiện nay công ty cho "tân trang", kiểm tra chất lượng và đóng gói lại để chuẩn bị giao hàng cho đối tác. Trong suốt quá trình làm ăn sau khi ký hợp đồng, hai bên chỉ thực hiện giao dịch qua lại thông qua thư điện tử. Đặc biệt, trong hợp đồng kinh tế với Xí nghiệp Gỗ cũng có điều khoản giải quyết tranh chấp tại Toà Trọng tài HongKong như những đối tác khác của Global Home.

Được biết, Chi nhánh Công ty CP Vinafor Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng trực thuộc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng (51% vốn nhà nước) là công ty của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phải chăng do đây là một doanh nghiệp nhà nước lớn nên Global Home chấp nhận các yêu cầu của Xí nghiệp Gỗ đưa ra để nhận số sản phầm đặt hàng trên?

Theo Nguyên Minh (CafeF)