Dù thị trường tăng trưởng ổn định, chi phí đầu vào đang ở mức thấp nhưng nhiều ông lớn điện máy Việt Nam vẫn sụp đổ, bởi sai lầm từ cách thức kinh doanh, tới khó khăn về vốn.
Cả người trong lẫn ngoài cuộc đã nhiều lần tìm cách lý giải cho sự sụp đổ của những doanh nghiệp trong ngành điện máy. Thị trường không tăng trưởng như kỳ vọng, các đơn vị kinh doanh mải chạy theo chiêu thức khuyến mại khủng, hoặc không lường trước được chi phí khi mở rộng hoạt động... là những khó khăn được nêu ra nhiều nhất. Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy?
Theo GfK, đầu và cuối năm sẽ đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường điện máy Việt Nam. Nhận định cũng trùng với đánh giá của Power Buy - đơn vị đã mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim vào tháng 1/2015. Nguồn: GfK Temax. |
Ông này cho rằng, nhà sản xuất liên tục tung ra sản phẩm điện máy mới giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của các trung tâm. Ví như khi iPhone 6 ra đời, hay tivi 4K được bày bán, người tiêu dùng sẽ chuyển dịch nhu cầu, và siêu thị điện máy sẽ hưởng lợi từ chính nguồn cầu mới.
Ngoài sức tăng trưởng ổn định của thị trường, doanh nghiệp điện máy còn được hưởng lợi từ chi phí vốn và thuê mặt bằng đã xuống thấp so với thời điểm năm 2011-2012. Lãi suất năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 8%, so với mức 25% trước đây. Trong khi đó với mỗi m2 thuê mặt bằng, doanh nghiệp hiện chỉ phải trả khoảng 6-8 USD, thay vì 14 USD.
"Nhiều người đánh đồng 'cái chết' của các siêu thị điện máy là do chạy theo khuyến mại, phá giá để cạnh tranh nhưng không phải vậy. Doanh nghiệp làm khuyến mại hay PR đều phải tính toán đến tỷ suất hoàn vốn (ROI) và thực tế, việc khuyến mại là do các nhãn hàng thực hiện, chứ không phải siêu thị. Ví như một siêu thị có khoảng 3.000 sản phẩm, khuyến mại 300 sản phẩm thì vẫn có lãi nhờ 2.700 sản phẩm khác", lãnh đạo một chuỗi siêu thị điện máy lớn ở Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là dù thị trường tăng trưởng ổn định, sự đổi ngôi và "những cái chết bất ngờ" là không thể tránh khỏi. Nếu sự ra đi nhanh chóng của Wonder Buy được giải thích là do nhãn hiệu này áp dụng máy móc cách bán hàng của Mỹ vào Việt Nam, thì Best Carings là một ví dụ cho thấy những ông lớn bán buôn không phải lúc nào cũng thành công trên mặt trận bán lẻ.
Trong thời gian dài, Best Carings vẫn làm ăn tốt cho đến khi đổi sang ông chủ mới vốn chuyên về bán buôn. Đổi chủ mới vốn không chuyên về bán lẻ, cộng với việc đầu tư không đủ mức, thương hiệu điện máy lừng lẫy một thời cuối cùng phải đóng cửa.
"Việt Long 'vỡ trận' là bởi kinh doanh đa ngành, trong đó có bất động sản. Vốn cho siêu điện máy phải tăng cường liên tục cho mở rộng, lấy hàng khi vào mùa... nhưng khi bị chôn vào bất động sản thì mọi việc trở nên rối tung. Họ thất bại vì điều đó", giám đốc kinh doanh một chuỗi siêu thị điện máy lớn từng kinh qua nhiều công ty thuộc ngành này tiết lộ.
Chuyên gia này cũng bổ sung, với Topcare, sai lầm có lẽ xuất phát từ việc doanh nghiệp này mở sai địa điểm đặt siêu thị, nhưng không chấp nhận đóng cửa ngay khi hoạt động thiếu hiệu quả: "Thêm vào đó, Topcare gặp khó khăn về vốn khi thay đổi chủ sở hữu nên mới có việc đóng cửa bất ngờ". Và cũng theo vị này, đối với những doanh nghiệp ở lại, dòng tiền là yếu tố then chốt bảo đảm sự sống còn. Dù cơ thể khỏe mạnh, nhưng chỉ cần nguồn vốn thiếu ổn định, dòng tiền không thông, khó khăn sẽ đến rất nhanh.
Theo Hạ Minh - Hoàng Ly (Zing.vn)