Vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng

04/01/2021 22:00:00

Mức phạt tiền tối đa về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định mới nhất là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định này làm hết hiệu lực Nghị định 108/2013/NĐ-CP, Nghị định 145/2016/NĐ-CP

Trước đây, tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa này với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, khoản 2 Điều 5 nghị định này nêu rõ, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Có thể kể đến một số hành vi vi phạm hành chính bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân như sau:

Thứ nhất, làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Thứ hai, tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái với quy định tại khoản 2 Điều 42 luật Chứng khoán năm 2019: Ngoài Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.

Riêng hành vi vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định ở trên thì áp dụng mức phạt tiến tối đa quy định ở trên để xử phạt.

Đối với vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ, Nghị định quy định phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Một là, chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong trường hợp tổ chức chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức chào bán phát hành chứng khoán và công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ của tổ chức chào bán, phát hành chứng khoán.

Hai là, không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Phạt tiền từ 400 đến 500 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành, chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật.

Phạt tiền từ 1 đến 1,5 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ.

Đối với quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, nghị định quy định phạt từ 500 đến 600 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Một là, chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Hai là, chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp được quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Điều 14, khoản 6 Điều 15 luật Chứng khoán.

Ba là, chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.

Bốn là, không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Phạt tiền từ 600 đến 700 triệu đồng đối với tổ chức nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam vi phạm cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài hoặc vi phạm cam kết không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép.

Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật