Theo Cơ quan Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Trung Quốc (CSDC), số lượng tài khoản giao dịch cổ phiếu hạng A đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái lên 2,43 triệu trong tháng 7. Con số này đã nâng tổng số lên 170,2 triệu tài khoản tính đến ngày 31/7, thậm chí còn lớn hơn cả dân số của Bangladesh và thấp hơn một chút so với Nigeria.
Các tài khoản giao dịch chứng khoán mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng của cả thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều người mới đầu tư – vốn chiếm khoảng 70% giao dịch tại nước này , "bước chân" vào thị trường đã khiến giới chức lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị và kinh tế xã hội. Theo đó, họ buộc phải đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đà tăng nóng và tránh làm nhà đầu tư hoang mang.
Không như những thị trường khác, Trung Quốc hạn chế giao dịch bán khống tại và không có nhiều sản phẩm để giảm thiểu rủi ro sụt giảm. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự kiện bong bóng chứng khoán nổ tung hồi năm 2015 khiến 5 nghìn tỷ USD bị "thổi bay".
Din Haifeng – chuyên gia tư vấn tại công ty tư vấn tài chính Integrity, nhận định: "Số lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia mang theo dòng tiền mới vào thị trường, giúp giữ vững đà tăng của thị trường trong một thời gian.
Sau cùng, những đợt tăng giá mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đều được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu cơ, chứ không phải những nguyên tắc cơ bản về doanh nghiệp và kinh tế."
Hiện tại, nhà đầu tư nước này đang "bỏ ngoài tai" lời khuyên của các chuyên gia, bởi Shanghai Composite đã tăng 11%, mức tăng chỉ đứng sau OMX20 tại Copenhagen và Merval tại Buenos Aires, theo đó trở thành chỉ số có diễn biến tốt thứ 3 thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm nay, 7,89 triệu tài khoản giao dịch mới đã xuất hiện trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Ngoài ra, tâm lý lạc quan tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, đảo ngược diễn biến của quý I với mức tăng trưởng 3,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, nhờ sản lượng và tiêu dùng dần "quay trở lại".
Kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc được thành lập vào năm 1990 với 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, nhà đầu tư Trung Quốc đã có xu hướng rót tiền theo… tin đồn, thay vì mức định giá.
Thị trường vốn hóa lớn thứ 2 thế giới, chỉ kém Mỹ 3% với 10 nghìn tỷ USD, về cơ bản là những khoản đặt cược đầu cơ một chiều, nhằm phân chia sự giàu có trong những đợt tăng giá, nhưng cũng khiến nhà đầu tư lỗ nặng mỗi khi lao dốc.
Zhang Wei – người đã có 20 năm đầu tư tại Thượng Hải, cho biết: "Những nhà đầu tư ‘gà mờ’ nên biết rằng một thị trường cổ phiếu hạng A có diễn biến như ‘tàu lượn siêu tốc’ có thể khiến họ mất rất nhiều tiền. Cực kỳ nguy hiểm khi đầu tư vào thị trường ở thời điểm hiện tại bởi chỉ số chính đã ghi nhận đà tăng đáng kể."
Trong khi đó, việc hàng chục nhà đầu tư nhỏ lẻ - thường là những người đã về hưu, tụ tập xung quanh bảng giá để ghi lại số điểm là một hình ảnh rất phổ biến và diễn ra từ lâu ở hàng nghìn công ty môi giới trong nước.
Ở thời điểm thị trường sụp đổ, tạo ra những khoản lỗ lớn, nhóm nhà đầu tư này trông rất hoang mang và thậm chí còn biểu tình bên ngoài các văn phòng đầu tư để yêu cầu bồi thường.
Đó chính là sự thiếu sót về mặt cấu trúc mà cơ quan quản lý đã nỗ lực cải thiện trong nhiều thập kỷ, khi họ tìm cách nâng cao vai trò của sự dài hạn cho các nhà đầu tư tổ chức, giúp tạo tính kỷ luật và thông tin đến quyết định của trader.
Hiện tại, cổ phiếu tiêu dùng – vốn sụt giảm mạnh trong thời gian phong tỏa, là nhóm được yêu thích nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhận được thông tin rằng quỹ đầu tư nhà nước Central Huijin Investment và quỹ hưu trí quốc gia rót tiền vào lĩnh vực này.
Công ty TNHH Bảo hiểm Trung Quốc Thái Bình Dương (China Pacific Insurance) trước đó cho biết các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiêu dùng – bao gồm rượu, đồ may mặc và nhu yếu phẩm hàng ngày, có cơ hội tốt khi mua vào bởi nền kinh tế đại lục đang hồi phục sau đại dịch.
Theo Lục Lam (Tổ Quốc)