Trưa 31/5, Grab gửi email đến các khách hàng sử dụng ví Moca có tiêu đề “Thông báo từ Moca về việc ngừng dịch vụ ví điện tử Moca”.
Email cho biết: “Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo về việc ngừng cung cấp dịch vụ Ví điện từ Moca từ ngày 1/7/2024”.
Website của Grab cũng có thông báo: Kể từ ngày 31/5/2024, Moca sẽ ngừng tiếp nhận yêu cầu mở Ví điện tử Moca mới. Vì vậy, người dùng Grab chưa kích hoạt Ví điện tử Moca sẽ không thể kích hoạt ví mới.
Phía Grab cũng khuyến cáo khách hàng đang có số dư trong Ví điện tử Moca thì chủ động quản lý số dư này bằng cách chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay cho đến hết ngày 30/6/2024.
Và từ 1/7/2024, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản. Tuy nhiên, Moca sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ các tra soát, khiếu nại giao dịch ví điện tử phát sinh trước ngày 1/7/2024 trong vòng 100 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch.
“Moca cam kết việc ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử và hoàn tiền sẽ được triển khai với những đảm bảo cao nhất về quyền và lợi ích của người dùng. Chúng tôi rất mong bạn dành thời gian tham khảo thông tin này và hợp tác với chúng tôi theo hướng dẫn để quá trình hoàn tiền diễn ra thuận lợi và nhanh chóng”, email thông báo có đoạn.
Đồng thời, để tiếp tục trải nghiệm sự tiện lợi của thanh toán không tiền mặt, Grab “hy vọng bạn sẽ cân nhắc chuyển sang các hình thức thanh toán khác đang khả dụng trên Ứng dụng Grab như ZaloPay, MoMo hoặc thẻ ngân hàng”.
“Đối với những thắc mắc về việc hoàn trả số dư ví điện tử Moca, Moca sẽ tiếp tục hỗ trợ bạn cho tới khi hoàn tất việc hoàn trả”, website của Grab nêu.
Moca nổi lên nhờ sự hợp tác chiến lược với Grab
Moca được thành lập từ năm 2013 bởi một nhóm cựu nhân sự cao cấp của Microsoft, Google và các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Từ sau năm 2018, Moca và Grab gắn bó rất chẽ với nhau, đặc biệt khi Grab mua lại 3,523% cổ phần Moca từ Access Ventures SPV, theo nguồn tin của DealStreetAsia.
Mục tiêu của hợp tác là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam, gồm thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ.
Từ sau thoả thuận đó, Moca gần như “độc quyền” trên Grab khi suốt một thời gian dài, đây là lựa chọn thanh toán trung gian duy nhất được chấp nhận trên nền tảng.
Với sự hậu thuẫn của Grab, theo một khảo sát năm 2019, Moca cùng MoMo và ZaloPay vào top 3 ví điện tử chiếm 90% người dùng Việt Nam.
Báo cáo khi đó cho biết: Người dùng Moca có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất, so với MoMo và ZaloPay. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.
Người dùng Moca cũng mức độ sẵn lòng giới thiệu thương hiệu tốt, với điểm số là 8,6, nhỉnh hơn ZaloPay và Momo lần lượt có điểm số 8,5 và 8,3.
Việt Nam thuộc top các nước Đông Nam Á có số người dùng sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích. Trong đó, theo VISA, cứ 5 người Việt thì có ít nhất 4 người sử dụng ví điện tử thường xuyên.
Ví điện tử ở Việt Nam dự kiến đạt 50 triệu vào cuối năm 2024, tăng 28% so với năm ngoái, theo số liệu của FiinGroup.
Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)