CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021.
Theo đó, với nhóm hàng lâu bền như điện máy, điện lạnh, vàng bạc, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) dẫn đầu trong top 10 doanh nghiệp bán lẻ uy tín nhất Việt Nam năm 2021.
Các vị trí uy tín tiếp theo thuộc về CTCP Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI, CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)...
Vì đâu vướng nhiều lùm xùm, Thế giới Di động vẫn được "chọn mặt" uy tín nhất?
Theo Vietnam Report, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính:
(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất;
(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;
(3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8 và 9/2021.
Trong 3 tiêu chí trên, dễ thấy điểm số Uy tín truyền thông của Thế giới Di động thấp hơn hẳn so với đối thủ - công ty mẹ của FPT Shop, DOJI và PNJ. Tuy nhiên, hai tiêu chí về Tài chính và Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan lại cao vượt trội.
Về tài chính, Thế giới Di động là công ty hiếm hoi trong ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận trong Covid-19. Tám tháng đầu năm 2021, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu online đóng góp hơn 7.540 tỷ đồng và tăng 17%. Với kết quả này, Công ty đã thực hiện 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch LNST cả năm.
Năm nay có vẻ là năm "hạn" về truyền thông của Thế giới Di động, khi hết lùm xùm liên quan đến việc tăng giá bán trong đại dịch lại đến vướng mắc về mặt bằng với chủ nhà Trần Kỷ Mùi tại Bình Định.
Theo báo cáo của Vietnam Report, ngành bán lẻ được coi là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của đại dịch Covid-19. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu tính riêng tháng 8/2021, doanh thu bán lẻ đã giảm 8% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ. Nhưng đến tháng 9/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại nhiều địa phương, doanh thu bán lẻ đã tăng nhẹ gần 4,5% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, nhưng kênh bán lẻ vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại.
Trước đây, hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng khi nhiều chợ truyền thống vẫn còn đóng cửa, các cửa hàng, siêu thị đã và đang nỗ lực thích ứng kịp thời, chung tay cùng chính quyền và các đơn vị liên quan để phục vụ cho người dân các loại hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm.
Nhưng trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cũng thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm.
Theo Bình An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)