Vì đâu Shark Tank có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thương vụ đổ bể?

23/07/2024 11:11:02

Tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thương vụ đổ bể sau khi chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng là một tồn tại thực tế và là một câu chuyện được nhắc tới nhiều trên truyền thông trong thời gian qua.

Shark Tank Việt Nam đã chính thức quay trở lại trong mùa 7 với 7 "cá mập" tham gia. Câu chuyện được quan tâm nhất xoay quanh show truyền hình này vẫn là các Shark đã giải ngân ra sao, có hay chăng chuyện cam kết đầu tư từ các Shark trên sóng truyền hình chỉ là "lời hứa lèo".

Thực tế, sau 6 mùa, tỷ lệ giải ngân của chương trình ở mức khá thấp. Thậm chí trong 3 mùa gần đây chỉ giao động 10-16% startup được giải ngân tiền.

Tri Thức - Znews đưa tin theo thông tin từ ban tổ chức, trải qua 6 mùa phát sóng, Shark Tank đã giới thiệu 291 mô hình kinh doanh tới các Shark và 174 thương vụ được cam kết đầu tư trên truyền hình, tương đương tỷ lệ được cam kết rót vốn là gần 60%. Tuy nhiên, số startup thực tế nhận được tiền từ các "cá mập" chỉ vào khoảng 60 startup, tương đương tỷ lệ giải ngân đầu tư chỉ vào khoảng 20% tổng số mô hình kinh doanh được giới thiệu, và khoảng 34% số thương vụ cam kết đầu tư.

Trong mùa 6, đã có 31 thương vụ đã nhận được cái "gật đầu" từ các Shark trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, đến 1 năm sau, khi Shark Tank mùa 7 khởi động, mới chỉ có 5 startup của mùa 6 nhận được tiền từ các "cá mập". 

Vì đâu Shark Tank có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thương vụ đổ bể?
Dàn "cá mập" của Shark Tank Việt Nam mùa 7. Ảnh: Shark Tank.

Trước đó, vào mùa 5 đã có 31 startup thành công thuyết phục các Shark trên sóng truyền hình với số vốn cam kết ở mức 305 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng 1 năm sau đó, chỉ có 4 trong số 31 startup tại mùa 5 được rót vốn thực với số tiền giải ngân là 46 tỷ đồng, chiếm hơn 15%.

Tỷ lệ giải ngân của Shark Tank mùa 4 còn ở mức thấp hơn mùa 5. Cụ thể, kết thúc Shark Tank Việt Nam mùa 4, có 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư từ các "cá mập" với tổng số tiền cam kết hơn 204 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó 1 năm, chỉ 4 statup được ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân từ các nhà đầu tư của chương trình là Coolmate, Vua Cua, AnHome và Blusaigon.

Tổng số tiền giải ngân thực tế theo công bố là 21,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số tiền cam kết đầu tư trên sóng truyền hình. Với tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thương vụ đổ bể sau khi chương trình phát sóng là một tồn tại thực tế của Shark Tank Việt Nam và là một câu chuyện được nhắc tới nhiều trên truyền thông trong thời gian qua.

Lý giải xung quanh vấn đề này, Shark Hưng là người đã ngồi "ghế nóng" trong suốt 6 mùa đã qua và tiếp tục xuất hiện tại mùa 7 chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, tỷ lệ giải ngân của ông là 2-4-4, tức là giải ngân thực tế đạt 20%, trong khi 40% là Shark "quay xe" và 40% còn lại là startup từ chối.

 

“Mục tiêu của tôi là tiêu hết tiền của người khác”, Shark Hưng chia sẻ. Trong mùa 7, vị "cá mập" tiếp tục đại diện cho quỹ đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners.

Ông Hưng nói thêm quỹ Columbus SV đã có sẵn nguồn vốn đề giải ngân, chỉ chờ dự án khởi nghiệp đã chứng minh được thị trường và có các chỉ số kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, Shark Hưng cũng đã chuẩn bị một ekip chuyên nghiệp giúp kiểm tra, đánh giá và thẩm định doanh nghiệp với các startup tiềm năng.

Chia sẻ về tình hình các thương vụ, Shark Hưng tiết lộ hai dự án từ mùa 6 là Aplus Home và Recbook đang trong giai đoạn thẩm định cuối cùng trước khi giải ngân. Shark Hưng nói thêm rằng đầu tư vào startup trên Shark Tank Việt Nam là khoản đầu tư lâu dài. Ông cũng thừa nhận tỷ suất hoàn vốn chưa thực sự tốt.

Vì đâu Shark Tank có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thương vụ đổ bể? - 1
Shark Hưng tiếp tục ngồi "ghế nóng" Shark Tank Việt Nam mùa 7.

Cũng là một gương mặt kỳ cựu khi đã tham gia 4 mùa, Shark Nguyễn Hòa Bình thừa nhận tỷ lệ giải ngân ông khá thấp, chỉ khoảng 15% và 85% còn lại là do startup "bùng" hoặc số liệu trình bày không đúng với thực tế. Ông nói: "Một nửa là startup 'bùng', nửa còn lại thì sau khi thẩm định tôi thấy cũng không quá khả quan so với những gì startup đã trình bày." Tuy nhiên, ông tự hào rằng 100% startup đã được đầu tư đều thành công.

Điển hình như trường hợp của Coolmate và Bánh mì Xin Chào. Cả hai đều được Shark Bình đầu tư 500.000 USD và đang phát triển tốt. Bánh mì Xin Chào xuất hiện ở mùa 6 đã nhân rộng số điểm bán lên 20 trong vòng 6 tháng.

Coolmate đã huy động thành công hai vòng gọi vốn mới từ các quỹ nước ngoài sau khi chốt deal với Shark Bình và doanh số của công ty cũng tăng trưởng. Năm 2021 (sau khi tham gia Shark Tank), Coolmate ghi nhận 137 tỷ đồng doanh số, gấp ba lần năm 2020.

Cũng trao đổi với Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Shark Bùi Quang Minh (Minh Beta) lại có quan điểm khá tích cực. Ông thừa nhận tham gia Shark Tank Việt Nam với vai trò nhà đầu tư, nhằm giúp quảng bá doanh nghiệp. "Kết quả là chuỗi rạp chiếu phim của tôi đông hơn hẳn. Tỷ lệ kín phòng dẫn đầu thị trường Việt Nam", ông nói.

Vị "cá mập" tham gia Shark Tank Việt Nam từ mùa 6 và đã "chốt" được 6 thương vụ trên sóng truyền hình. "Tỷ lệ giải ngân của tôi là khoảng 33%", ông Minh nói. Vị "cá mập" cho biết khoảng 1/3 thương vụ do Shark từ chối đầu tư trong khi 1/3 còn lại là do startup "quay xe".

"Sau khi đạt thoả thuận trên sóng truyền hình, chúng tôi đã gửi email liên hệ làm việc, song phía startup chỉ nói vâng dạ rồi để đó, không có hành động cụ thể hay động thái hợp tác cung cấp thông tin, dẫn tới thương vụ đổ bể", ông Minh cho hay.

Hai thương vụ được Shark Minh Beta giải ngân là thương hiệu máy chiếu mini Beecube và startup vải công nghệ cao ADT Hitek được vị "cá mập" đánh giá là phát triển tốt với các chỉ số kinh doanh tích cực, có tiềm năng.

PN (SHTT)

Nổi bật