Vị đại gia 14 năm trước đem 500 tỷ gửi tiết kiệm, tiền lãi để chi thưởng cho các nhà khoa học Việt Nam: Cơ ngơi nghìn tỷ, xây khách sạn 4 sao và Safari đầu tiên tại Hà Nội

08/07/2024 13:45:39

Công ty Thiên đường Bảo Sơn được giới đầu tư ví von là "cỗ máy kiếm tiền" của Tập đoàn Bảo Sơn.

Tập đoàn Bảo Sơn và Hội đồng xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn vừa tổ chức Lễ phát động xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn 2024. "Quỹ này hiện chừng 600 tỷ rồi. Chúng tôi sẽ lấy lãi tiền gửi tiết kiệm của quỹ này làm giải thưởng và phục vụ cho hội đồng giải thưởng", đại diện là ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Được biết, Giải thưởng Bảo Sơn ra đời từ năm 2010, nhằm vinh danh các nhà khoa học có những sáng chế, công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Đáng nói, nguồn quỹ trao giải đến từ khoảng góp cá nhân của ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.

Cụ thể, năm 2010, ông Sơn chi 500 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Với lãi suất 7,5%/năm, mỗi năm tiền lãi này được chừng 37,5 tỷ đồng sẽ dùng để chi cho giải thưởng khoa học.

Trên thương trường, ông Sơn là một trong những đại gia kín tiếng, song đang sở hữu "cơ ngơi" không kém cạnh ai; trải dài từ lĩnh vực bất động sản, khu đô thị đến y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...

Sinh năm 1945 tại Nghệ An, sau khi tốt nghiệp trường Trung cao cơ điện vào năm 1965, ông Sơn được Bộ Cơ khí luyện kim cử sang Bulgaria để học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước.

Năm1991, ông Sơn quyết định chuyển công ty của nhà nước ra ngoài quốc doanh. Cũng từ đó, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) chính thức ra đời.

Vị đại gia 14 năm trước đem 500 tỷ gửi tiết kiệm, tiền lãi để chi thưởng cho các nhà khoa học Việt Nam: Cơ ngơi nghìn tỷ, xây khách sạn 4 sao và Safari đầu tiên tại Hà Nội

Là DN xây khách sạn chuẩn 4 sao đầu tiên tại Hà Nội năm 1995, khu vui chơi Safari đầu tiên tại Hà Nội năm 2017

Dấu ấn đầu tiên của Tập đoàn Bảo Sơn là xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội từ năm 1995. Tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, Khách sạn Bảo Sơn được rất nhiều sự chú ý của các du khách trong nước và quốc tế kể từ khi thành lập.

Năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.

Năm 2017, tập đoàn khai trương khu vui chơi Safari đầu tiên tại Hà Nội. Dự án có quy mô 2,6ha, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, nằm trong khuôn viên Công viên Thiên đường Bảo Sơn.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư, có thể kể đến dự án Khu căn hộ và biệt thự cao cấp Bảo Sơn ở An Khánh, Hà Nội; dự án khu căn hộ Đức Giang – Gia Lâm. Hay tại Nghệ An có chung cư Bảo Sơn Complex tại 126 Nguyễn Sỹ Sách, Tp.Vinh với quy mô 31 tầng, 319 căn hộ cao cấp; dự án Bảo Sơn Green Pearl 72 Lê Lợi, Tp.Vinh với 522 căn hộ.

Đến nay, sau 29 năm hình thành và phát triển, Bảo Sơn đã có 16 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư kinh doanh bất động sản, khách sạn, khu vui chơi giải trí, y tế, giáo dục.

Ở lĩnh vực giáo dục, Bảo Sơn có hệ thống Trường Cao đẳng nghề dịch vụ Bảo Sơn và Trường Trung cấp Y dược Bảo Sơn, với định hướng sẽ thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 2015, Bảo Sơn ghi dấu trong lĩnh vực y tế khi cho ra đời Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn tại số 52 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội và tiến tới đầu tư khu tổ hợp bệnh viện – nhà dưỡng lão tại Sơn Tây, Hà Nội….

Năm 2023 từng dậy sóng mạng xã hội với "phốt" suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có 1 miếng sườn

 

Vị đại gia 14 năm trước đem 500 tỷ gửi tiết kiệm, tiền lãi để chi thưởng cho các nhà khoa học Việt Nam: Cơ ngơi nghìn tỷ, xây khách sạn 4 sao và Safari đầu tiên tại Hà Nội - 1

Vào năm 2023, Bảo Sơn gây dậy sóng dư luận với sự vụ "suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có một miếng sườn" được bán tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức - Hà Nội). Trong đó, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn (Công ty Thiên đường Bảo Sơn) - thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn.

Công ty Thiên đường Bảo Sơn được giới đầu tư ví von là "cỗ máy kiếm tiền" của Tập đoàn Bảo Sơn.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận doanh thu thuần từ 200 tỷ tăng lên 303 tỷ đồng vào cuối năm 2019, lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2020, doanh thu tiếp đà tăng vọt lên 374 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp chỉ báo lãi 36 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh thu thuần Công ty dù giảm còn 319 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế "nhảy vọt" lên 117 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày trong năm 2021, chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn "bỏ túi" hơn 300 triệu đồng.

Năm 2022, doanh thu Thiên Đường Bảo Sơn giảm còn 117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 33 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Thiên đường Bảo Sơn đạt 957 tỷ đồng; nợ phải trả là 407 tỷ đồng; vay nợ tài chính không đáng kể với chỉ 3,1 tỷ đồng, mà chủ yếu là nợ nội bộ. Đáng chú ý, trong cả năm 2021 và 2022, Thiên đường Bảo Sơn không ghi nhận chi phí lãi vay.

Theo Tri Túc (An Ninh Tiền Tệ)