Trót đặt mua gói hành lý 20kg cả hai chiều bay giá rẻ cho trẻ nhỏ, chị Phương xót đứt ruột vì tốn thêm cả gần triệu đồng. Lơ đễnh khi mua vé giá rẻ trực tuyến, không ít người đã mất tiền oan.
Đặt vé giá rẻ trên mạng cho chuyến du lịch Đà Nẵng tháng 7 tới, Phương khá tự tin vì “có kinh nghiệm”. Giá vé tương đối thấp, 660.000 đồng/người chiều đi và 750.000 đồng/người chiều về cho 2 người. Song, khi thanh toán, chị ngạc nhiên vì tổng số tiền phải trả lên tới hơn 4 triệu. Lúc đó, Phương thắc mắc, sao thuế phí hay dịch vụ gì mà đắt thế, nhưng cũng không hề hỏi lại nhân viên phòng vé.
Bẵng đi, mấy hôm sau, chị đặt mua tiếp vé cho người nhà, cũng từ Hà Nội vào Đà Nẵng, bay tháng 6. Giá vé rõ ràng đắt hơn mà tổng số tiền phải trả cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Phương tá hoả kiểm tra lại vé mua trước đó. Hóa ra, chị không biết rằng mình đã mua thêm hành lý 20kg cho cả hai, cả chiều đi và chiều về, trong khi không có nhu cầu.
Chị Phương đặt mua cả vé hành lý cho hai đứa con của mình, trong khi chỉ bố hoặc mẹ mua là đủ |
Lúc chị đặt mua vé là 6h tối ở cơ quan, vì vội vàng để về nhà nên chị không kiểm tra kỹ. Ngay cả mail đặt vé gửi đến chị cũng không soi lại. Sáng hôm sau, chị ra phòng vé thanh toán luôn.
“Giá mà nhân viên phòng vé hỏi lại tôi, rằng chị đã xem kỹ vé đã đặt chưa, hoặc thắc mắc sao tôi lại mua cả hành lý cho vé trẻ em như thế, thì tôi đã không mất tiền và cảm ơn họ lắm”, chị Phương nói trong tiếc nuối.
Hỏi ra, chị không phải là người duy nhất mất tiền kiểu này. Hoàng Duy - nhân viên một văn phòng trên đường Kim Liên mới, kể lại, có lần anh đặt vé máy bay giá rẻ hộ vợ chồng người bạn, chặng Hà Nội - Sài Gòn.
Thấy vé quá rẻ, chỉ 120.000 đồng/chặng chưa kể thuế, phí, Duy nhanh tay đặt luôn đồng thời cũng mua cả 20kg hành lý cho hai người, hai chiều, trong khi bạn không có nhu cầu. Rốt cuộc, Duy mất thêm 660.000 đồng, bằng đúng giá 1 vé mới. May mà giá vé mua được quá rẻ rồi nên vợ chồng anh bạn bỏ qua, nếu không, Duy phải bỏ tiền túi ra mà trả.
Trên thực tế, quá trình đặt mua vé trực tuyến, hãng hàng không này để mặc định khách mua 20kg hành lý/người/chiều. Nếu không có nhu cầu, khách phải chuyển sang dòng chữ “Không, cảm ơn”. Nhưng, nhiều khi, vì quá vội, quá hấp tấp, nhiều người đã bỏ qua bước này. Thế nên, số tiền được tính luôn vào giá vé mà khách không hề hay biết, hoặc có biết thì tiền cũng đã trả. Tiền trao cháo múc, điều kiện quy định rõ ràng, khách không có cơ hội lấy lại.
“Ngay lúc đặt mua tôi đã phát hiện ra lỗi, muốn huỷ vé vừa đặt, nhưng đặt lại vé mới thì sợ hết code (mã) giá rẻ. Thôi thì đành phải chịu”, Duy than thở.
Trước khi thanh toán, nhớ rà kỹ
Trên đây là một trong số rất nhiều lỗi khi đặt vé máy bay giá rẻ khách thường gặp. Nhầm ngày, nhầm giờ bay, sai tên, mua thêm hành lý, thêm suất ăn không mong muốn,... khiến khách mua tốn thêm một khoản không nhỏ, kể cả với người có kinh nghiệm. Chỉ cần một phút lơ đãng, không cẩn thận, không xem xét kỹ là có thể mất cả triệu đồng. Vé rẻ hoá ra đắt đỏ.
Phần đặt mua thêm hành lý hoặc xuất ăn được để mặc định, nếu khách không để ý rất dễ bỏ qua khâu này |
Một lãnh đạo của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng cho hay, khi đặt mua vé, nhiều khách gặp những lỗi tưởng chừng như rất... ngớ ngẩn.
Ông ví dụ, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách hay nhầm lẫn giữa ngày âm và ngày dương, như mùng 8/1 âm là mùng 10/2 dương chẳng hạn. Thế là cứ âm âm dương dương, nhầm ngày, đặt xong khách mới phát hiện ra. “Chúng tôi đã cảnh báo trước với các đại lý nên nhân viên bao giờ cũng hỏi cụ thể lại khách, song trường hợp lẫn lộn vẫn xảy ra vì ‘các cụ ở quê hay tính theo lịch âm”, vị này nói.
Ngoài ra là lỗi đặt nhầm hành trình. Ví như, người ở Sài Gòn đặt vé hộ người thân từ Hà Nội bay vào, lẽ ra phải đặt chiều Hà Nội - Sài Gòn lại nhầm thành Sài Gòn - Hà Nội. Lỗi còn có thể do nhân viên phòng vé, cứ đinh ninh cho rằng người ở trong đó thì đương nhiên mua chiều đi từ Sài Gòn mà không hỏi rõ lại khách.
Vị lãnh đạo Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific còn kể, một trường hợp nhầm lẫn nữa là khách có hai tên gọi, ở nhà một tên, chứng minh thư lại tên khác. Thế là khi mua vé, lại cứ nhằm tên gọi ở nhà mà đặt.
Giờ lịch cũng toàn in bằng tiếng Anh nên đôi khi, khách “mù” ngoại ngữ cũng bị lẫn, như giữa tháng 6 (June) và tháng 7 (July) chẳng hạn.
Một yếu tố nữa hành khách khi mua vé cần lưu ý, trong quá trình đặt vé online, có nhiều khoản dịch vụ kèm theo mà hãng hàng không để mặc định, như mua hành lý, suất ăn, bảo hiểm, nếu không để ý người mua rất dễ mất thêm tiền. Theo ông, tốt nhất, nên hiển thị các lựa chọn để khách hàng tự quyết.
Ông cũng cảnh báo, nhiều người trong quá trình mua vé thì điện thoại liên tục hoặc "tự kỷ" với smartphone nên nhân viên bán vé hỏi hoặc thông báo cái gì cũng ừ, đọc thông tin xác nhận vé khác với thông tin yêu cầu cũng gật đầu (vì không tập trung) đến lúc cầm vé cũng không kiểm tra lại; sau đó mới phát hiện mình/hoặc nhân viên bị nhầm (do hiểu sai ý/yêu cầu của khách).
“Tóm lại cứ phải cận thận kiểm tra, nhân viên thì đọc lại thông tin yêu cầu đặt chỗ của khách một lần nữa trước khi Enter xuất vé”, ông nói.
Vì các lỗi hay gặp trên, Vietjet đã phải điều chỉnh thời gian thanh toán sau lên 24 giờ để khách xem xét kỹ lại vé đã đặt - bước mà nhiều hành khách chủ quan bỏ qua. Còn với Jetstar Pacific, nếu khách hàng mắc lỗi không cố ý và báo lại trong vòng 4 tiếng sau đó sẽ được hãng xem xét hỗ trợ.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)