Vay tiêu dùng tại công ty tài chính khác gì vay ngân hàng?
Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng cao
Trong hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, công ty tài chính đã cung cấp các khoản vay tiêu dùng cho gần 20 triệu khách hàng. Đáng chú ý là gần một nửa trong số đó là những người chưa từng có lịch sử tín dụng, chưa từng giao dịch tài chính chính thống và gần như chắc chắn sẽ bị ngân hàng từ chối cung cấp khoản vay vì không có tài sản thế chấp, cũng như không chứng minh được thu nhập.
Vì thế, với đối tượng này vay tiêu dùng đây là cách duy nhât để họ vay vốn chính thức được pháp luật chứng mình mà không phải sa chân vào tín dụng đen. Không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân cấp bách, vay tiêu dùng còn là phương thức hữu hiệu để những người có thu nhập trung bình và thấp tích lũy tài sản, từng bước cải thiện đời sống gia đình.
Tất nhiên, khi các công ty tài chính chấp nhận cho vay đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng đầy rủi ro như thế thì họ cũng buộc phải đặt ra mức lãi suất cao để phòng ngừa nguy cơ khách hàng thanh toán chậm, thiếu hoặc thậm chí là mất khả năng thanh toán.
“Khó đòi hỏi công ty tài chính cho vay các đối tượng rủi ro cao nhưng lãi suất cho vay lại thấp như ngân hàng vì lãi suất cho vay phải tuân theo nguyên tắc rủi ro lớn thì lãi suất phải cao để bù đắp”, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
TS Kiên cũng lưu ý, “khi nói đến lĩnh vực tài chính, nhiều người vẫn lấy ngân hàng làm chuẩn để so sánh về lãi suất trong khi trên thực tế, phân khúc hoạt động của ngân hàng và công ty tài chính rất khác nhau”.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng không cố định với tất cả các đối tượng khách hàng. Cụ thể, các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có thể chứng minh thu nhập, từng vay nhiều lần và trả nợ đúng hạn sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ 20-22%/năm. Ngược lại, các khách hàng có lịch sử thanh toán chậm hoặc không thanh toán các khoản nợ trước đó có thể phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều, thậm chí không được cấp duyệt khoản vay.
Một lý do nữa khiến lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính không thể đẩy xuống mức ngang với các ngân hàng thương mại vì các công ty tài chính bị pháp luật quy định chặt chẽ hơn trong việc huy động vốn, lại phải tốn nhiều chi phí để vận hành bộ máy lớn do các khoản vay thường rất nhỏ (chủ yếu dưới 30 triệu đồng), khách hàng rải rác khắp các tỉnh thành, thời gian thu hồi vốn dài (có thể lên tới 36 tháng), tỷ lệ ký quỹ cao,…
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về câu chuyện lãi suất, ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện và cụ thể, chính xác hơn. Điều này cho thấy hệ thống quản lý ngân hàng và các tổ chức tín dụng của ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển vừa nhanh vừa bền vững, giữ ổn định trong phát triển, đặc biệt không để tình trạng đẩy lãi suất CVTD lên cao và tạo rủi ro cho hệ thống ngân hàng tín dụng.
Hiểu rõ trước khi đặt bút ký
Vay tiêu dùng nhất là khi vay qua các công ty tài chính chủ yếu là tín chấp nên điều kiện khá dễ dàng so với vay ngân hàng. Địa điểm và phương thức vay thuận lợi, nhanh gọn, hợp lý. Các gói tín dúng cũng rất đa dạng, đáp ứng đúng nhu cầu cũng ngày càng đa dạng hơn. So với vay cá nhân, tín dụng đen thì cho vay tiêu dùng ưu việt, an toàn hơn nhiều.
Tuy nhiên, đi kèm với sự thuận lợi là chi phí tăng lên và mở rộng khá năng tiếp cận vốn thì rủi ro cũng cao hơn nhất là với cho vay tín chấp.
Vì thế, quy định pháp lý về hoạt động này của hiện khá chặt và khắt khe đối với các công ty tài chính, đặc biệt là các quy định về thành lập mới. Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là mới chỉ khai thác khoảng 1/4 tiềm năng và có thể đạt tới quy mô hàng trăm tỷ USD trong vài năm tới nhưng hiện mới chỉ có chưa đầy 20 công ty tài chính được cấp phép hoạt động. Tiềm năng còn rộng nhưng DN không dễ đáp ứng để gia nhập vì các đòi hỏi cao và kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các quy định về huy động vốn, quy định về thành lập các chị nhánh, vận hành hệ thống, phê duyệt các khoản vay dù rất nhỏ nhưng cũng đầy đủ quy trình như những khoản vay lớn tại các ngân hàng thương mại,… khiến gia tăng chi phí đầu vào. Chính những điều đó khiến lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ bị cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại.
Vì thế, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, cơ quan quản lý cần kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các quy định còn chưa được đặt ra trong thực tế hoạt động của các công ty tài chính khi CVTD. Các công ty tài chính cần luôn luôn theo đuổi và đề cao việc thực hiện nguyên tắc kinh doanh phục vụ người dân, phục vụ xã hội, xem việc bán các sản phẩm tín dụng cũng như bán hàng hóa và dịch vụ công khác không chỉ để mưu cầu lợi nhuận trên hết.
Về phía người vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết cần thiết trong khi sử dụng dịch vụ này sao cho đúng pháp luật và các quy định; nên tính toán cẩn thận khi vay để có hiệu quả và trả được nợ.
Cả hai phía đều không thể vì chỉ vay tín chấp mà coi nhẹ việc bảo đảm các quy định cần thiết. Đặc biệt, phải chống tình trạng lừa đảo trong hoạt động cho vay.
Cũng phải thừa nhận rằng, với nhiều khách hàng khi đặt bút ký chỉ quan tâm vay được tiền trong khi hiểu biết về vay tiêu dùng của còn hạn chế, thậm chí không đọc kỹ hợp đồng nên đã xảy ra những sự cố gây khó khăn cho cả hai bên. Vì thế, Bên cạnh việc hoàn thiện quy định phát triển từ cơ quan nhà nước, đầu tư phát triển các sản phẩm cho vay phù hợp từ DN thì việc nâng cao hiểu biết của khách hàng để hiểu đúng khi tham gia vay tiêu dùng là một yếu tố cần thiết để đảm bảo thị trường cần bằng hơn.
Theo Tuệ Lâm (VietNamNet)