Vay tiêu dùng: Để tránh vòng xoáy nợ nần

06/01/2016 10:03:13

Với ưu thế giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, việc mua sắm các vật dụng trong gia đình thông qua các gói vay tiêu dùng giờ đã trở nên quen thuộc, nhất là đối với những người khó tiếp cận với những khoản vay ngân hàng.

Với ưu thế giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, việc mua sắm các vật dụng trong gia đình thông qua các gói vay tiêu dùng giờ đã trở nên quen thuộc, nhất là đối với những người khó tiếp cận với những khoản vay ngân hàng.

Có khá nhiều công cụ trên mạng có thể giúp khách hàng tính được mức lãi suất hàng năm. Các ứng dụng này sẽ chỉ ra cho bạn biết bạn sẽ phải trả tổng cộng cả lãi và gốc là bao nhiêu cho khoản vay của mình.

Thế nhưng, do không nghiên cứu kỹ hợp đồng, không ít khách hàng đã mất chủ động khi thanh toán khoản vay, thậm chí “kết tội” bên cho vay…

Tìm hiểu kỹ trước khi ký

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng mạnh 31,49% so với thời điểm 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 8,02% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống,

Hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, làm tăng khả năng tiếp cận tài chính, góp phần kích thích tiêu dùng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do phát triển chưa lâu, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại.

Với đặc thù hoạt động, các công ty tài chính buộc phải áp dụng mức lãi suất tương xứng. Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (cả trong nước và nước ngoài) phổ biến khoảng 20-30%/năm, cao hơn so với mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh của các ngân hàng thương mại (khoảng 10-13%/năm).

Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với nhận thức của người vay tiêu dùng, khi họ buộc phải hiểu rõ tất cả mọi vấn đề liên quan đến dịch vụ vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Tuy nhiên, khi đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng, cũng có không ít khách hàng dễ dãi, thậm chí là không xem qua nghĩa vụ trả nợ cũng như số tiền vốn, tiền lãi phải trả góp hàng tháng.

Chỉ đến khi xảy ra những khó khăn, khiến họ mất cân đối về tài chính, không thể thanh toán đúng hạn và kịp thời, họ mới xem lại hợp đồng và quay sang khiếu nại các công ty tài chính rằng cho vay với lãi suất cao.

Lý giải về mức lãi suất của các công ty tài chính, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo; còn so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, thì mức lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.

Thực tế, hoạt động của các công ty tài chính đang được thực hiện với mục tiêu chủ yếu là chiếm lĩnh thị phần. Vì vậy, các công ty tài chính muốn tạo cơ hội thuận lợi tối đa để người tiêu dùng tiếp cận được dễ dàng với các khoản vay. Các yêu cầu đối với hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính thường rất đơn giản, và vô hình chung họ đang tự chuốc lấy phần rủi ro cao hơn về phía mình.

Do chi phí hoạt động cho vay tiêu dùng khá cao vì các khoản vay thường có thời hạn rất ngắn (từ vài ngày đến một tháng), giá trị nhỏ; thậm chí, nhiều khoản vay chỉ vài triệu đồng nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhân viên tín dụng thường phải đến làm việc tận nơi với khách hàng, khiến chi phí quản lý của các công ty tài chính tăng lên.

Với đặc thù như trên, lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng cao hơn các loại hình cho vay khác.

Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn cao hơn các ngân hàng thương mại vì có chi phí vốn cao hơn. Bởi theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động từ thị trường bán lẻ là dân cư mà chỉ được huy động từ thị trường bán buôn có lãi suất cao là các tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế kênh huy động này cũng rất hạn chế, do đó, các công ty tài chính phải sử dụng vốn tự có, vay vốn nước ngoài hoặc vay liên ngân hàng và từ tổ chức tài chính khác để kinh doanh.

Để tránh vòng xoáy nợ nần

Quyết định vay một khoản tiền phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu của bản thân, gia đình đòi hỏi mỗi khách hàng phải cân nhắc kỹ càng trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính tư vấn, trước tiên, hãy nghĩ thật kỹ xem bạn có thật sự cần vay tiền và lên kế hoạch chi tiết, thận trọng về việc hoàn trả tiền. Tiếp đó, cần đọc thật kỹ các điều khoản và điều kiện. Trước khi “gõ cửa” một vài tổ chức tài chính xem họ có sản phẩm gì, cần so sánh thế mạnh của các đơn vị với nhau cũng như tìm hiểu kỹ về các mức phí phạt lẫn lãi suất mà bạn sẽ phải chịu nếu chấp nhận vay.

Có khá nhiều công cụ trên mạng có thể giúp khách hàng tính được mức lãi suất hàng năm. Các ứng dụng này sẽ chỉ ra cho bạn biết bạn sẽ phải trả tổng cộng cả lãi và gốc là bao nhiêu cho khoản vay của mình.

Việc kiểm tra độ tin cậy của tổ chức cho vay trên thực tế cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thay vì vội vàng ký hợp đồng vay tiêu dùng, bạn có thể vào website của Ngân hàng Nhà nước để tìm những tổ chức tài chính đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, để không bị vướng vào mối quan hệ tín dụng với một tổ chức hay cá nhân cho vay phi pháp.

Cân nhắc khả năng trả nợ là lưu ý cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng. Đừng bao giờ vay vốn, nếu đang thất nghiệp hay không có dự trữ tài chính. Bởi ký kết khoản vay lúc này sẽ khiến người vay rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ và khoản vay thì ngày càng phình to vì các loại phí phạt chậm trả nợ.

Để tránh được tình huống này, nên lấy tổng thu nhập của cả gia đình trừ đi mức chi  tiêu  trung bình hàng tháng của gia đình. Sau đó, cần chừa ra một khoản cho những trường hợp cần thiết mà bạn suy nghĩ có thể xảy ra. Phần tiền còn lại là phần có thể dùng để chi trả cho các khoản góp hàng tháng.

Việc thận trọng khi ký kết khoản vay không chỉ giúp một khách hàng trở thành người tiêu dùng thông thái mà còn giúp các hợp đồng vay tiêu dùng trở nên dễ thực hiện và không tạo ra áp lực nợ nần cho người vay.
 
>> Lãi suất cắt cổ 40%/năm, công ty tài chính có phạm luật?

Theo Hải Âu (Vneconomy.vn)

Nổi bật