Chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là có tiền, lãi suất thấp, giải ngân dễ dàng, không cần thế chấp... là những lời quảng cáo về dịch vụ vay tiền qua mạng. Do nôn nóng vay tiền, nhiều người đã bị "gài" mức lãi suất cao như cho vay "chợ đen" mà không hề hay biết.
Vay tiền qua mạng internet là một mô hình vay tiền kiểu mới tại Việt Nam. Mô hình trên chỉ mới xuất hiện tại TPHCM khoảng 1 năm trở lại đây. Hình thức hoạt động của mô hình trên theo dạng Peer to peer. Cụ thể, người vay và người cho vay tự giao dịch với nhau qua sàn giao dịch là các website trung gian. Hiện nay, tại TPHCM có các website đang thu hút được khá nhiều người vay như timxxx.vn, doctorxxx.vn , canvayxxx.vn...
Để vay tiền, người tiêu dùng chỉ cần tải phần mềm ứng dụng của trang web cho vay về điện thoại. Tiếp đó, người vay làm theo hướng dẫn trên web để mở tài khoản trực tuyến. Sau đó, để hoàn tất hồ sơ, người vay tiền chỉ cần chụp hình CMND (hoặc giấy phép lái xe), sổ hộ khẩu và cung cấp 1 tài khoản tại một ngân hàng bất kỳ.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, dựa vào hộ khẩu ở đâu và các tài sản thế chấp mà người vay có thể vay được từ 1 - 200 triệu đồng. Trong vòng 24h, nhân viên của các dịch vụ cho vay qua mạng sẽ mang hồ sơ đến tận nhà để người vay ký hợp đồng và giải ngân vào số tài khoản ngân hàng. Tất cả lịch hẹn trả nợ, số tiền trả nợ sẽ được báo về tài khoản của người vay.
Nở rộ các dịch vụ cho vay online với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn để dụ khách. |
Khá nhiều người tham gia các kênh vay tiền qua online vì giải ngân quá nhanh. |
Để thử nghiệm hình thức vay tiền trên, PV đã tải ứng dụng vaytienxxx về và đăng ký tài khoản. Dù không có hợp đồng lao động, các giấy tờ chứng minh thu nhập chúng tôi cũng đã được tiếp cận gói vay 20 triệu đồng. Sau khoảng 3 phút để hoàn thành hố sơ, chúng tôi đã được nhân viên gọi điện hẹn mang hợp đồng tới và chưa đầy 24h, tiền đã chuyển về tài khoản của PV.
Mập mờ lãi suất
Theo như quảng cáo trên website thì dịch vụ trên là dịch vụ cho vay mở và ai cũng có thể vay mà không cần thế chấp. Trên website cũng công khai mức lãi suất vay là 16%/ năm. Tuy nhiên, khi PV tiếp xúc với hình thức trên thì mức lãi suất trên chỉ là để "gài" khách hàng.
"Do nhu cầu cần vay tiền gấp nên tôi đã vay thử trên website vay tiền online 10 triệu đồng. Lúc đầu do cần tiền quá nên tôi cứ nghĩ họ nói vay 16%/năm là tôi yên tâm rồi. Tuy vậy, sau khi làm hợp đồng xong và đọc kỹ lại tôi mới thấy còn thêm nhiều khoản phí khác khiến mức lãi suất vay lên đến hơn 20%/ tháng. Ngoài ra, nếu trả tiền chậm thì mức phạt sẽ rất cao. Vì lo sợ phải trả số tiền gấp 3 lần mình đã vay nên tôi gọi điện về quê gấp để xin tiền trả nợ", anh Quốc T. (ngụ quận 6) tâm sự.
Cụ thể, sau khi tính các loại phí thẩm định hồ sơ, phí vay lần đầu và phí trả chậm thì mức lãi suất người vay phải chịu đã lên đến 25%/năm. Tuy vậy, đối với các khách hàng vay lần đầu thì chỉ được vay tối đa 30 ngày. Như vậy, người vay phải chịu mức vay 25%/ tháng và mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
"Do anh chị vay lần đầu nên tụi em cũng chỉ cho vay tối đa 1 tháng thôi ạ. Còn phí trong hợp đồng vẫn là 16%/năm nhưng phải thêm các loại phí khác nên mới cao như vậy. Công ty em là công ty tài chính hoạt động độc lập nên không cần ngân hàng cho phép", nhân viên cho vay tại website Vaynhanhxxx nhấn mạnh.
Không chỉ riêng web Vaynhanhxxx mà nhiều website vay tiền khi PV hỏi về vấn đề pháp lý đều khẳng định công ty hoạt động độc lập. Nhiều công ty cũng né các câu hỏi của PV liên quan đến vấn đề giấy phép hoạt động.
Tuy đưa ra các mức lãi suất cụ thể nhưng các kênh vay online đều "gài" người vay bởi nhiều loại phí khác nhau. |
Các chuyên gia cho rằng các hình thức vay tiền không cần thế chấp có lãi suất ngang ngửa "chợ đen". |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Tiến - chuyên gia kinh tế cho hay: "Hiện nay, nhà nước vẫn chưa cấp phép cho các hình thức vay tiền như trên hoạt động. Do đó, khi vay ở các kênh trên người tiêu dùng không khác gì vay tiền "đen" ngoài xã hội. Nếu xét về lãi suất thì tỉ lệ lãi suất trên 25%/tháng và gần 300%/năm. Mức lãi suất trên quá cao và phi thực tế. Tuy vậy, các kênh cho vay trên đánh vào sự túng quẫn của người vay nên nhiều người bỏ qua mức lãi suất trên”.
“Hiện nay, tại Việt Nam khoảng 70% người vay tiền chưa tiếp cận được các kênh đầu tư chính thống như ngân hàng nên các dịch vụ vay onlie ngày càng "bùng nổ". Nếu không quá cấp thiết, tôi nghĩ người dân không nên tham gia các hình thức vay tiền trên vì nhiều khi vay 1 đồng mà phải trả đến gấp 5 gấp 7 lần. Như vậy, người vay quả thật chịu nhiều thiệt thòi mà không cơ quan nào có thể hỗ trợ nổi vì đã ký vào hợp đồng", ông Tiến khuyên.
Theo Quốc Cường (Dân Trí)