Các tổ chức tín dụng đang cạnh tranh đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Chưa bao giờ vay tiền lại dễ dàng như hiện nay. Người đi làm hưởng lương, hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương có sạp hàng trong chợ, thậm chí cả chủ thuê bao điện thoại,... cũng có thể vay tiền.
Hiện có rất nhiều lời chào mời cho khách hàng vay tiền, từ 50-500 triệu đồng, để giải quyết việc gia đình như mua xe máy, tivi, tủ lạnh, mua nhà,... từ các ngân hàng mà không cần thế chấp tài sản.
Đối tượng được các ngân hàng xét cho vay khá rộng và đa dạng, là người đang đi làm hưởng lương chuyển khoản, hưởng lương trả tiền mặt, hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương có sạp hàng trong chợ, thậm chí chủ thuê bao của một số điện thoại di động cũng được chấp nhận.
Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng |
Thủ tục cũng rất đơn giản. Với những người ăn lương chuyển khoản, cần sao kê lương 3 tháng gần nhất và photo chứng minh, hộ khẩu (hoặc tạm trú có thể thay thế bằng hóa đơn điện, nước, internet, truyền hình cap), hợp đồng lao động. Nếu là hộ kinh doanh, yêu cầu phải có cửa hàng và giấy phép kinh doanh hoạt động trên 3 tháng. Tiểu thương có sạp hàng trong chợ thì cần có hợp đồng thuê sạp. Còn chủ thuê bao điện thoại di động thì có xác nhận từ nhà mạng.
Với những người ăn lương chuyển khoản có ngân hàng mạnh tay cho vay gấp 15 lần lương. Số tiền vay tối đa lên tới 500 triệu đồng không cần thế chấp tài sản. Khách hàng hưởng lương chuyển khoản từ 5 triệu/tháng, có hợp đồng lao động 12 tháng là đủ điều kiện để vay, cũng không cần bảo lãnh của đơn vị đang công tác.
Thời gian giải ngân nhanh chóng tùy từng khoản vay và từng khách hàng, nhanh nhất sau 30 phút, còn chậm thì sau 2 ngày là có tiền. Lãi suất cho vay tùy thuộc vào thời gian vay và thu nhập của khách hàng. Mức lãi suất thấp nhất vào khoảng 15%/năm, cao có khi lên tới 40%/năm.
Theo một quan chức Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng tăng nhanh từ đầu năm 2017 tới nay, trong đó, cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà tăng mạnh nhất. Với nhiều ngân hàng cho vay tiêu dùng đang chiếm trên 10% dư nợ.
Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi 20-59. Nhờ thu nhập bình quân tăng lên cùng những thay đổi thói quen tiêu dùng của bộ phận dân số trẻ, đã mang đến tiềm năng lớn cho lĩnh vực vay tiêu dùng. Thị trường tài chính cho vay tiêu dùng, ước tính có giá trị lên đến 15 tỷ USD/năm.
Tính toán của các chuyên gia tài chính cho thấy, tiêu dùng tại Việt Nam hiện chiếm đến 78% GDP, tức tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng. Do đó, nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, giúp GDP cả năm 2017 đạt kế hoạch 6,7%.
Nỗi lo tín chấp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt trên 11%. Tuy nhiên, so với yêu cầu Chính phủ đề ra là nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên khoảng 21%, thì nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm còn rất lớn.
Một số ngân hàng đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng, nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để tranh giành khách hàng (ảnh minh họa) |
Trong khi đó, nhiều nhà băng cho biết đã trình Ngân hàng Nhà nước xin nới room tín dụng, để có thêm dư địa cho vay. Trong đó, tập trung vào cho vay tiêu dùng. Một số ngân hàng còn giao chỉ tiêu cho các nhân viên, nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Hiện nhiều ngân hàng đã lên sàn và muốn đẩy giá cổ phiếu lên cao. Muốn đẩy giá lên thì các con số thể hiện trên báo cáo tài chính phải tốt. Như vậy chỉ có cách là tăng dư nợ tín dụng cùng lãi suất cho vay lên. Vì thế, việc hướng tới cho vay tiêu dùng (có nhu cầu lớn với lãi suất cao) đang là đích nhắm của nhiều ngân hàng.
Tuy nhiên, bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của nước ta hiện ở mức 78,34% là quá cao, trong khi tiết kiệm chỉ ở mức 22%. Hơn nữa, tỷ trọng này của Việt Nam cao hơn Mỹ, châu Âu là điều không bình thường, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Điều đáng ngại là một số ngân hàng đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng, nhưng lại tăng lượng tiền cho vay, với mục đích cạnh tranh giành thị phần.
Chẳng hạn, trước đây, phải có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên mới được vay tín chấp thì nay, với các hợp đồng lao động ngắn hạn dưới 1 năm, thậm chí 3-4 tháng cũng được xét duyệt cho vay. Nhiều ngân hàng đang cho khách hàng vay và thấu chi những khoản lớn.
Người lao động ăn lương chuyển khoản, được vay tới 500 triệu đồng mà không cần bảo lãnh đơn vị công tác, hay chỉ cần là chủ thuê bao của 1 số điện thoại di động hợp pháp, cũng được vay ngay 70 triệu đồng, không cần thế chấp, không cần đến nhà thẩm định, kể cả đang mắc nợ các ngân hàng khác vẫn được chấp nhận, liệu có dễ dãi quá? Cho vay như vậy lỡ có chuyện gì sao trả nổi - chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên giám đốc Ngân hàng bang Vaud (Thuỵ Sỹ) đặt câu hỏi.
Theo ông Kim, các ngân hàng đang nỗ lực cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, giới tài chính đều thừa nhận, lĩnh vực vay tiêu dùng, nhất là với những quốc gia có thu nhập thấp thì rủi ro rất cao.
Cho vay dễ dãi, nếu gặp khó khăn, sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Do đó, cần giám sát tín dụng tiêu dùng để tránh biến tướng, đảm bảo loại hình tín dụng này phát triển một cách bài bản, bền vững.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)