Ăn nhà hàng xong ra về thấy đôi giầy “không cánh mà bay”, vào shop quần áo mua đồ chưa đầy 5 phút ra cũng mất giầy,... Tình trạng trộm giầy diễn ra khá phổ biến khiến nhiều người tức điên người mà chưa nghĩ ra cách đối phó.
Sau 2 lần đi giầy đẹp vào shop thời trang mua đồ, chị Phương Trang ở Triệu Việt Vương (Bai Bà Trưng, Hà Nội) đều bị trộm khoắng mất. Nên, giờ cứ đi mua đồ, chị lại chọn đi tông. Nếu có đi giầy thì cũng chọn đôi nào cũ, xấu để vừa tránh bị mất, hoặc không may bị trộm khoắng mất cũng chẳng tiếc.
Chị Trang cho hay, một số shop thời trang quy định, khi vào mua đồ, khách phải để giầy dép ngoài cửa, tránh bụi bẩn lên quần áo. Hai lần mất đồ, chị có báo với chủ cửa hàng. Xem lại camera, chị phát hiện đôi giầy đã bị một khách khác cố tình đi nhầm và để lại đôi dép lê đã rách.
“Cuối tháng vừa rồi cũng vậy, hí hửng đi đôi giầy mới gần triệu đồng đến shop thời trang trên phố Trần Đại Nghĩa để mua cái váy tặng sinh nhật cho người bạn. Vừa vào trong được khoảng 5 phút, tôi nghĩ mình quên chìa khóa xe máy nên chạy ra lấy. Thế mà đến cửa đã không thấy đôi giầy mới mua gần 3 triệu của mình đâu. Hỏi thì trông xe bảo đôi giầy đó vừa có người ra khỏi shop đi rồi”, chị Trang ngán ngẩm.
Nhiều khách đi ăn ở nhà hàng, lúc ra về phát hiện mình bị trộm lấy mất giầy từ bao giờ (ảnh minh họa) |
Anh Nguyễn Văn Sơn cũng tức điên người khi đôi giầy 5 triệu của mình vừa đi được một tuần đã bị trộm lấy mất khi anh vào một quán trà đạo trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng với mấy người bạn.
Anh Sơn cho hay, anh đã để giầy lên kệ rất cẩn thận, thế mà lúc về tìm mãi không thấy anh đành phải đi dép lê từ quán về nhà.
“Tôi nghĩ trộm cắp chỉ có ở chợ, ngoài phố chứ ai lại vào quán để trộm giầy của người khác. Thế nhưng chính nhân viên ở quán trà thừa nhận, thỉnh thoảng có khách đi vào quán, lúc ra thấy giầy của người khác còn mới, đẹp nên nảy lòng tham lấy luôn”, anh Sơn than thở.
Anh Sơn cũng nói thêm, từ lần đó, anh cực kỳ kỵ vào những quán ăn mà phải bỏ giầy ở ngoài vì sợ mất. Nếu biết trước là bắt bỏ giầy ở ngoài thì anh không đi hoặc yêu cầu bạn bè đổi địa điểm khác.
Đau đầu nghĩ cách đối phó
Mở shop quần áo trên đường Trung Kính (Cầu Giấy) từ 2010 nhưng đến năm 2014, chị Thùy Dung - chủ shop quần áo - đã phải bỏ quy định khách phải để giầy dép ở ngoài khi vào mua đồ bởi tình trạng mất giầy diễn ra liên tục.
“Mới đầu khách kêu mất tôi cũng thấy hơi nghi ngờ, nhưng xem lại camera thì đúng là họ bị người khác lấy trộm giầy thật”, chị nói.
Chị Dung kể, một số đối tượng giả vờ vào shop chọn quần áo để lúc ra, thấy đôi giầy nào “ngon ăn” là “cuỗm” luôn. Đặc biệt, năm 2014, hầu như tháng nào cũng có đôi ba khách kêu ca, có tháng 6-7 khách liên tục mất.
Những lần đó, shop đều cho đăng clip lên các diễn đàn để tìm thủ phạm kèm thêm thông báo sẽ trao thưởng thẻ điện thoại, phiếu giảm giá mua hàng tại shop cho những ai tìm ra, nhưng đều vô vọng.
“Nhiều lần làm vậy mà vẫn không tìm được thủ phạm nên cuối năm ngoái, tôi đành để khách đi cả giầy vào shop, không thì khách sẽ bỏ đi hết”, chị Dung nói.
Anh Nguyễn Xuân Yên, chủ quán cà phê bệt trên đường Trần Thái Tông, cho biết, khoảng nửa năm lại đây, việc khách về trước “đi nhầm” giầy của khách ra sau diễn ra ngày càng nhiều.
“Tôi đã lắp camera ngay ở chỗ để giầy mà vẫn không ăn thua. Nhiều khách quen của quán trước một tuần 3-4 lần ghé, từ lần mất giầy liền bỏ luôn. Có lẽ họ sợ lại bị trộm giầy lần nữa”, anh rầu rĩ. Mặc dù đã dán thông báo nếu cố tình “đi nhầm giầy” của khách khác, nếu bị phát hiện sẽ phạt tiền, song tình trạng này không mấy được cải thiện.
Anh Yên nói rằng, sắp tới, anh sẽ mua tủ cá nhân như ở các siêu thị mini rồi cắt cử một nhân viên đứng đó để nhận trông giầy cho khách.
Theo Như Băng (VietNamNet)