Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 21/7, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra tại TP.HCM đã đạt mốc 51,06 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào cũng được doanh nghiệp tăng tương ứng, hiện phổ biến ở mức 50,68 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá mua vào được SJC giữ nguyên nhưng giá bán vẫn cao hơn 20.000 đồng so với các cửa hàng TP.HCM, hiện đạt 51,08 triệu đồng/lượng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng trong nước vượt ngưỡng 51 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay tăng 120.000 đồng giá mua và 100.000 đồng giá bán so với chiều qua, hiện ở mức 50,72 - 50,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, cả Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý hiện đã nâng giá bán vàng tại Hà Nội chạm mốc 51 triệu đồng, tăng 200.000-300.000 đồng so với cuối tuần trước.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chốt phiên hôm qua niêm yết giá vàng ở mức 50,6 triệu/lượng (mua) và 50,85 triệu/lượng (bán), cao hơn 150.000 đồng so với cuối tuần trước. Đến sáng nay, doanh nghiệp này tiếp tục tăng thêm 50.000 đồng chiều bán, hiện đạt 50,9 triệu đồng/lượng.
Vàng trong nước tăng chủ yếu do vàng thế giới giao ngay đêm qua tăng nhanh lên ngưỡng 1.818 USD/ounce, mức giá cao nhất 9 năm qua.
Mặc dù vàng tăng mạnh nhưng giao dịch tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội vẫn khá trầm lắng, không sốt nóng như hồi 2010-2015. Số lượng người mua vào tăng lên chút ít và có tỷ lệ cao hơn so với bán ra.
Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước biến động mạnh chủ yếu do bất ổn kinh tế thế giới do dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành. Cuộc chiến Mỹ-Trung, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực và chính sách bơm tiền của các nước… cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, ông Hans Albrecht, Giám đốc quỹ đầu tư Horizons ETF cho rằng vàng đang có cơ hội tốt để tăng lên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay và có thể đi xa hơn trong năm tiếp theo.
HL (Nguoiduatin.vn)