Vàng trong nước đắt vì khan hiếm?

31/03/2021 09:13:10

Khi giá vàng thế giới tăng nhẹ, ngay lập tức, vàng trong nước tăng theo. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước vẫn neo giữ ở mức cao dù nhu cầu thị trường không quá lớn. Các chuyên gia cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới.

Chênh lệch với thế giới 7 triệu đồng/lượng

Sau “cơn sốt” năm 2020, thị trường vàng dần đi vào ổn định. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, vàng liên tiếp giảm giá. Từ mức trên 1.900 USD/ounce, đến ngày 29/3, giá vàng thế giới giảm về mức 1.727 USD/ounce. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch, giá vàng thế giới “thủng” mốc 1.700 USD/ounce.

Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn neo giữ ở mức 55 - 55,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, giá vàng trong nước đang tăng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao bất thường.

Vàng trong nước đắt vì khan hiếm?
Giá vàng trong nước chênh cao hơn giá vàng thế giới đến 7 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý

Trong những năm trước đây, do cầu thị trường trong Ngày Vía Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán), chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao nhất. Nhưng so với Ngày Vía Thần tài năm 2021, hiện nay chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao hơn, dù nhu cầu thị trường không có đột biến.

Ngoài ra, vào giữa năm 2020, giá vàng thế giới ở mức tương đương hiện nay, nhưng vàng miếng SJC ở mức 48,4 - 48,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng hiện nay sau khi tăng lên 55,5 triệu đồng, không có dấu hiệu giảm xuống.

Tổng cục Thống kê đánh giá, thời gian qua, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 2/2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 2,42% so với tháng 12/2020 và tăng 25,08% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang tháng 3/2021, giá vàng trong nước bắt đầu biến động cùng chiều giá vàng thế giới, tuy nhiên, tốc độ biến động chưa nhiều. Giá vàng tháng 3/2021 giảm nhẹ 2,97% so với tháng trước đó và vẫn tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước, dù giá vàng thế giới về mức năm 2020.

Trên thị trường thế giới, các chuyên gia nhận định, thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục giảm do sự chênh lệch lớn về lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Mỹ và các nước châu Âu khiến dòng chảy vào đồng USD gia tăng, gây áp lực lên kim loại quý. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho rằng, đà tăng của giá vàng đang suy yếu, do các nhà đầu tư lớn không còn hứng thú với vàng.

Chuyên gia của sàn giao dịch Kitco, giá vàng đang giằng co bởi hai luồng quan điểm trái chiều. Trong ngắn hạn, với kỳ vọng kinh tế phục hồi dựa trên vắc xin COVID-19, vàng khó phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn do tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư.

Nhìn về dài hạn, thực trạng rủi ro và bấp bênh kinh tế, và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), là lý do để nhiều nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vàng.

Đơn vị xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo, giá vàng cho năm 2021 và 2022 do nhu cầu tăng do dòng vốn đầu tư và ngân hàng trung ương mua vào. Chúng tôi tin rằng giá sẽ điều chỉnh trong trung hạn về mức cân bằng là 1200 USD/ounce vào năm 2023.

Cùng đó, Ngân hàng Saxo nhận định, vàng khó có khả năng bứt phá cho đến khi lợi suất và đồng đô la ổn định. Đó là những gì mà Fed hiện chưa hành động để kiểm soát. Vàng thậm chí còn gặp khó khăn hơn cho đến khi các điều kiện tài chính đạt đến mức buộc Fed phải phản ứng.

Chuyên gia tài chính của Website tài chính Investing.com đưa ra phân tích kỹ thuật, vàng sẽ “thăm dò” về mức giá 1.650 - 1.680 USD/ounce, khả năng sụt giảm qua mức này cao và sẽ xuống sâu hơn.

Khi thị trường vàng xuất hiện những con sóng giảm mạnh, khả năng vàng trong nước giảm chậm hơn. Có thời điểm, giá vàng trong nước có thể cao hơn giá vàng thế giới đến 10 triệu đồng/lượng.

"Nguồn cung vàng nội địa thoát khỏi khan hiếm, thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro, khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá

Do thiếu nguồn cung ?

Các chuyên gia nhận định, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chủ yếu do thiếu nguồn cung vàng SJC trong nước.

Cùng đó, do trước đây, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhập khẩu nguyên liệu vàng SJC ở thời điểm giá cao nên dù giá vàng thế giới giảm vẫn neo giữ nhằm tránh thua lỗ.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, cơ quan chức năng xem xét tăng thêm nguồn cung vàng miếng SJC. Đồng thời, có giải pháp tránh nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu vàng, rủi ro về nhà đầu tư.

“Nguồn cung vàng nội địa thoát khỏi khan hiếm, thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro, khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới”, ông Long cho biết.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cần sớm thành lập một sàn vàng quốc gia, giúp thị trường trong nước và thế giới liên thông.

Nhận định với báo giới, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực lo ngại: “Nếu cứ để thị trường vàng “đóng băng” như hiện nay, nhà đầu tư, người dân luôn có tâm lý găm giữ vàng, không có nguồn tài chính để lưu thông sang nhiều kênh đầu tư hiệu quả khác”.

Theo Ngọc Linh - Việt Linh (Tiền Phong)

Nổi bật