Tăng vũ bão, mức 80 triệu không xa
Trong phiên giao dịch 22/12, giá vàng miếng SJC trong nước tăng vũ bão và lập đỉnh cao chưa từng có: hơn 77 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp bán ra), trước khi giảm về 76,8 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều. Đây là mức giá cao chưa từng có của mặt hàng này.
Giá vàng nhẫn cũng tăng, có nơi lên tới sát 63,28 triệu đồng/lượng - mức cao kỷ lục của loại sản phẩm này.
Vàng trong nước tăng vọt chủ yếu do giá vàng thế giới giao ngay tăng từ mức 2.030-2.040 USD/ounce trong phiên trước đó lên ngưỡng 2.055 USD/ounce (tương đương giá quy đổi 61,3 triệu đồng/lượng) và mức chênh giá trong nước so với thế giới được nới rộng lên 15,5 triệu đồng/lượng, thay vì mức chênh 14-15 triệu đồng/lượng trong các phiên trước đó.
Sức cầu đối với vàng miếng SJC tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung mặt hàng này ít. Vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC không được sản xuất thêm, trong khi người dân trong các phiên trước bán ra rất ít.
Tới chiều 22/12 khi vàng miếng SJC vọt lên trên 77 triệu đồng/lượng, lượng vàng được người dân mang ra bán chốt lời tăng lên. Đây cũng chính là lý do khiến giá được điều chỉnh giảm vài ba trăm nghìn đồng/lượng vào cuối giờ chiều.
Tuy nhiên, vàng trên thế giới vẫn có xu hướng tăng lên. Tới nửa đêm 22/12 (giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường quốc tế ở trong khoảng 2.060-2.070 USD/ounce.
Vàng thế giới nếu tiếp tục đi lên, lực bán chốt lời với vàng miếng SJC trong nước trong thời gian tới có thể lại giảm. Khả năng tăng giá và vàng miếng SJC lập kỷ lục cao mới vẫn còn bỏ ngỏ.
Trên thực tế, vàng thế giới trước đó, vào ngày 4/12 đã từng ở mức cao hơn (đạt kỷ lục lịch sử 2.152 USD/ounce). Mức giá này quy đổi đạt khoảng 64,2 triệu đồng/lượng. Nếu cộng thêm với mức chênh khoảng 15 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước lên tới gần 80 triệu đồng/lượng.
Như vậy, dư địa vàng lên 80 triệu đồng/lượng khá lớn khi mà giá vàng thế giới thậm chí được dự báo mới bắt đầu vào một chu kỳ mới. Giá vàng có thể tăng mạnh từ giữa năm 2024 khi “cơn gió ngược” lãi suất cao bắt đầu tan biến.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã phát tín hiệu sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể có 3 lần giảm lãi suất (mỗi lần 25 điểm cơ bản) từ đỉnh cao lịch sử 5,25-5,5%/năm như hiện tại. Trước đó, kể từ tháng 3/2022 cho tới tháng 5/2023, Fed có 11 lần tăng lãi suất, tổng cộng 525 điểm.
Vàng còn được dự báo tăng trong năm 2024 khi mà bất ổn địa chính trị chưa có dấu hiệu suy giảm. Tình hình Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt. Hôm 20/12, lực lượng lính dù Nga đã đột kích và xóa sổ thành trì quân sự của Ukraine ở phía Tây Bắc Bakhmut thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Tại Trung Đông, tình hình vẫn nóng. Israel vừa đột kích "trung tâm quyền lực" dưới lòng đất của Hamas và tuyên bố đã giành quyền kiểm soát mạng lưới hạ tầng đường hầm quan trọng ở thành phố Gaza.
Gần đây, thế giới cũng chứng kiến tình hình bất ổn ở Biển Đỏ.
Mỹ và Trung Quốc trong khi đó vẫn căng thẳng trên nhiều "mặt trận", trong đó có kinh tế, công nghệ, tài chính và thương mại…
Đâu là đỉnh giá vàng trong năm 2024?
Rất nhiều dự báo cho rằng, mức giá trên 2.000 USD/ounce đối với giá vàng thế giới chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của mặt hàng kim loại quý này. Vàng có nhiều dư địa để bứt phá trong năm 2024.
Theo Ngân hàng ING Bank của Hà Lan, sức mạnh của đồng USD trong năm 2023 đã gây áp lực giảm giá rất mạnh lên vàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, vàng vẫn bứt phá trong năm khó khăn 2023. Cho tới 22/12, giá vàng thế giới giao ngay vẫn tăng gần 12% so với đầu năm.
Trong năm 2024, tình hình sẽ khác hẳn. Đa số các yếu tố hỗ trợ cho vàng, từ một đồng USD khó tránh khỏi xu hướng sụt giảm do Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, cho tới những bất ổn địa chính trị và sự kém hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư.
Tại Trung Quốc và một số nước, nhiều người tìm đến vàng như một kênh trú bão.
Theo Bloomberg, người dân Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản… đều thua lỗ. Tài sản của họ bị bào mòn theo thời gian.
Sự suy giảm tài sản khiến nhiều người chọn phương án giữ tiền. Người giàu bật chế độ phòng thủ, chuyển vào các loại tài sản an toàn, trong đó có vàng.
Thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đẩy mạnh mua vàng.
Với Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) là ngân hàng trung ương mua nhiều nhất trong tháng 10 với 23 tấn. Đây là tháng mua ròng thứ 12 liên tiếp của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Với mức mua ròng trong tháng 10, tổng cộng trong 10 tháng đầu năm PBoC đã mua 204 tấn, nâng dự trữ vàng của cơ quan này lên 2.215 tấn.
Vàng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu vàng trang sức vào dịp lễ tết ở khu vực châu Á đang đến.
Nhà quản lý quỹ Bruce Liegel chia sẻ trên The Globe and Mail cho rằng, vàng sẽ tăng cao trong năm 2024 khi các ngân hàng trung ương ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ. Và nếu càng nới lỏng, vàng sẽ càng tăng cao hơn vào cuối năm 2024, thậm chí sang đến 2025.
Gần đây, Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024. Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm 2.300 USD/ounce. Nhiều dự báo vàng thế giới sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Giá vàng trong nước, theo đó, có thể lên mức 80-90 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, dự địa tăng giá vàng là rất lớn.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)