Báo cáo công bố tại tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 17/5 cho thấy, từ năm 2024, giá vàng biến động lớn. Có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng. Bình quân 4 tháng, kim loại quý tăng 20,75%.
Diễn biến lịch sử giá vàng trong nước cho thấy, giai đoạn 2016-2019, ngay cả khi giá thế giới tăng, trong nước gần như đi ngang, chênh lệch về 0.
Giữa năm 2023, trong nước đi ngang khi thế giới dao động mạnh, tăng 10% rồi giảm 3%. Thời điểm này tương đối trùng với giai đoạn các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền đồng để ổn định tỷ giá.
Nhưng giai đoạn 2014-2015, sau khi Nhà nước đấu thầu bán ra 74 tấn vàng, chênh lệch giá khoảng 10%-20% so với thế giới.
Tại tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường. Ở Việt Nam, vàng trở nên "ghê gớm" và rất khác.
Việc độc quyền vàng miếng SJC đã tồn tại nhiều năm qua, trong giai đoạn trước không có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng, đến mức vô lý.
“Do chênh lệch cung - cầu hay do các tác động từ chính sách độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu vàng, những năm gần đây mới có sự biến động lớn, chênh lệch giá đẩy cao”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Dẫn tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, vị chuyên gia cho biết, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, vấn đề đặt ra nếu không nhập khẩu thì nguồn vàng từ đâu?
Theo ông Nghĩa, trước thời điểm năm 2020, việc nhập lậu vàng có xảy ra. Nhưng từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, con đường nhập lậu vàng đã bị chặn lại; hàng loạt vụ việc nhập lậu vàng bị phát hiện, khiến nguồn cung từ bên ngoài vào Việt Nam không còn như trước. Chính vì thế, nguồn cung càng trở nên khan hiếm, phần nào đã tạo ra sự chênh lệch giá.
Do đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nên tính tới bỏ độc quyền vàng miếng, trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp.
Trên thị trường nội địa, chốt phiên 17/5, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 90 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji niêm yết ở mức 87,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 89,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lại nêu nghịch lý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu tăng cung, nhưng càng đấu thầu giá vàng lại neo cao.
Ông Cường cho rằng, giải pháp đấu thầu trong một vài phiên đầu đã không đạt mục tiêu kéo giá vàng trong nước xuống; thậm chí có khi còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn (?). Bởi theo ông, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu.
Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, ông Cường cho rằng, NHNN cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu. Ai càng bỏ giá thấp thì sẽ thắng thầu.
Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa chiều 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.
Giải pháp được lãnh đạo Chính phủ nhắc tới gồm tăng thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm. NHNN phải tiếp tục rà soát Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/6, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)