Liên tục tăng giá
Giá vàng trên thị trường thế giới vài phiên gần đây liên tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu ngừng, bất chấp thị trường tài chính biến động theo hướng nào. Bất kể các thị trường chứng khoán tăng hay giảm, giá dầu lên hay xuống, đồng USD tăng vọt giảm sâu,... thì giá vàng vẫn cứ nhích dần lên và hướng tới các đỉnh cao mới.
Trong phiên giữa tuần, giá vàng thế giới đã lên sát ngưỡng cao nhất trong vòng 7 năm rưỡi qua. Giá vàng giao ngay trên thế giới lên 1.780 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 8 đã lên tới sát ngưỡng 1.800 USD/ounce (tương đương gần 42 triệu đồng).
Như vậy, chỉ còn một khoảng ngắn nữa là giá vàng thế giới lên trở lại đỉnh cao lịch sử ghi nhận hồi cuối 2011.
Trong nước, thị trường vàng không thực sự sôi động nhưng giá cũng diễn biến nhanh, bám sát thị trường thế giới. Trong 3-4 phiên gần đây, giá vàng SJC 9999 trong nước đã vượt lên trên ngưỡng 49 triệu đồng/lượng, có lúc lên tới 49,3 triệu đồng/lượng.
Giao dịch vàng vẫn khá trầm lắng, nhưng số người mua vào nhiều hơn bán ra. Tại hệ thống BTMC, lượng khách mua vào chiếm khoảng 55% số người giao dịch, trong khi số lượng người bán ra chiếm 45%.
Với mức giá thế giới hiện tại khoảng 1.765 USD/ounce, giá vàng trong nước quy đổi tính cả thuế và phí tương đương khoảng 49,5 triệu đồng/lượng.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch ngày 25/6 (giờ Việt Nam), vàng thế giới và trong nước có xu hướng chùng lại đôi chút sau khi vàng thế giới lên đỉnh cao nhất trong 7 năm rưỡi qua. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn được xác nhận và sức cầu đối với vàng trên thị trường thế giới vẫn lớn. Các quỹ giao dịch vàng hàng đầu vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua vào.
Theo BTMC, sở dĩ vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ là bởi diễn biến đại dịch Covid-19 xấu đi. Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra các tài sản như vàng để thu về tiền mặt.
Michael Matousek, nhà giao dịch tại U.S. Global Investors nhận định, thông tin về sự lây lan gia tăng dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến giới đầu tư lo lắng, họ chọn giải pháp là lấy tiền mặt và thu gọn các danh mục đầu tư.
Dù vậy, trên thực tế, sức cầu đối với vàng vẫn lớn. Mỗi khi vàng giảm xuống vài USD, sức cầu tăng nhanh trở lại và kéo vàng đi lên. Các chỉ báo phân tích kỹ thuật tiếp tục cho thấy, vàng đang ở trong một xu hướng đi lên.
Dự báo dài hạn: 277 triệu thay cho 83 triệu đồng/lượng
Trên Kitco, Dan Oliver, nhà sáng lập Myrmikan Capital, cho rằng, dự báo về dài hạn của vàng không còn là 3.000 USD/ounce (tương đương khoảng 83 triệu đồng/lượng, chưa thuế phí), mà mục tiêu giờ là 10.000 USD/ounce (tương đương 277 triệu đồng/lượng).
Theo đó, bảng cân đối của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thời gian qua tăng nhanh, thêm 3.000 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng và hiện vượt ngưỡng 7.000 tỷ USD.
Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York Bill Dudley cho rằng, quy mô bảng cân đối của Fed có thể sẽ vượt quá 10 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, cơ sở vốn của Fed chỉ là 39 tỷ USD. Điều này có nghĩa Fed đang sử dụng đòn bẩy rất lớn.
Fed đang gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ và vàng cũng sẽ phản ứng tương ứng, tăng lên mức giá có thể cân bằng được bảng cân đối của Fed. Do vậy, con số gắn với giá vàng sẽ thay đổi rất lớn, theo Dan Oliver, sẽ là 10.000 USD/ounce (tương tương hơn 230 triệu đồng) khi mà tài sản của Fed sụp đổ.
Diễn biến tăng giá của vàng bắt nguồn không chỉ từ sự thổi phổng bảng cân đối của Fed mà còn từ sức khỏe nội tại của bảng cân đối này.
Theo Dan Oliver, một khi các tài sản của Fed như các chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp, hay trái phiếu Kho bạc,... giảm giá trị thì sẽ ảnh hưởng tới tới đồng USD, qua đó tác động tích cực lên vàng.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) - cho rằng, về dài hạn, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh các nước duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và bơm hàng ngàn tỷ USD vào các thị trường.
Về ngắn hạn, giá vàng vẫn được dự báo sẽ đi lên. Trong khi mọi người đều nghĩ tới ngưỡng 1.800 USD/ounce thì trên Businessinsider, Bank of America dự báo vàng sẽ lên mốc 2.000 USD/ounce (tương đương 46 triệu đồng) - mức cao lịch sử ngay trong quý 3/2020.
Theo Bank of America, giá vàng gần đây theo mô hình đi ngang và đóng vai trò quan trọng cho đợt bứt phá lần này, lên mức cao nhất trong gần 8 năm. Theo các nhà phân tích, mức 1.800 USD/ounce là một điểm kháng cự dài hạn quan trọng. Mốc này đã được kiểm tra 3 lần từ khi giá vàng giảm từ mức cao nhất mọi thời đại 2011.
Không chỉ triển vọng kỹ thuật của vàng rất tích cực mà Bank of America còn lưu ý, tâm lý thị trường là rất ủng hộ. Giá vàng có thể lên 3.000/ounce trong vòng hơn một năm nữa.
Còn theo nhiều chuyên gia trên Kitco, các nhà đầu tư đôi khi vẫn cần tiền và bán vàng khi chứng khoán sụt giảm, song nhìn chung, họ đang tìm kiếm tài sản trú ẩn, trước hết là để đối phó với một lệnh phong tỏa ở Mỹ có thể quay trở lại, sau đó là lạm phát. Giá vàng được hỗ trợ bởi lãi suất thực âm và mức nắm giữ vàng ở các quỹ giao dịch vàng đang ở mức cao kỷ lục.
Theo V. Minh (VietNamNet)