Tuần rồi, giá vàng đã có vài phiên tăng mạnh vào đầu tuần, nhưng sau đó giảm về cuối tuần, theo xu hướng thế giới. Giá vàng SJC gần như đứng yên khi chốt phiên cuối tuần ở mức 41,2-41,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại một số tổ chức cá biệt như PNJ hay Phú Quý được niêm yết ở mặt bằng cao hơn, khoảng 41,3-41,55 triệu đồng/lượng. Các tổ chức này luôn niêm yết cao hơn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hay Doji.
Giá vàng thế giới tuần rồi chốt phiên cuối tuần ở mức 1.461,9 USD/oz, giảm hơn 10 USD/oz, tức giảm gần 1%. Giá vàng thế giới giảm trong bối cảnh kỳ vọng về thoả thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn đầu lại tăng cao.
Nhằm đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một có lợi cho cả hai bên, phía Trung Quốc nói đang nỗ lực làm việc với Mỹ. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua tuyên bố rằng “Chúng tôi có một thỏa thuận, có khả năng rất gần”.
Trước đó, hồi đầu tuần, Mỹ đã thông qua quyết định cho phép các công ty Mỹ tiếp tục hợp tác với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Động thái này khiến giới đầu tư coi là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia lớn nhất thế giới đang tiến triển tốt. Trong khi đó, tờ South China Morning Post đưa tin Mỹ có thể hoãn áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc trong tháng 12/2019, ngay cả khi hai bên chưa đạt được một thỏa thuận. Những điều này khiến giá vàng liên tiếp giảm.
Một trong những nguyên nhân khiến vàng giảm giá trong tuần qua còn đến từ số liệu kinh tế Mỹ khả quan. Chỉ số triển vọng của các nhà sản xuất từ khu vực Philadelphia (Mỹ) được công bố tăng khá mạnh so với tháng liền trước. Cụ thể, chỉ số này tăng từ mức 5,6 điểm tháng trước lên 10,4 điểm trong tháng 11/2019, cao hơn khá nhiều so với mức dự báo 7 điểm.
Trong tuần này (25-29/11), giới phân tích và đầu tư đưa ra những dự báo trái chiều, tuy nhiên, xu hướng giảm giá vàng được chú ý nhiều hơn.
Cụ thể, theo khảo sát của Kitco, có đến 38% chuyên gia thị trường ở Wall Street cho rằng vàng sẽ giảm giá. Ngược lại, có đến 50% nhà đầu tư ở phố Main tham gia khảo sát đã tự tin về xu hướng tăng của giá vàng trong tuần này.
Sean Lusk - giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại tại Walsh Trading, bày tỏ sự bi quan về giá vàng trong thời gian tới vì lãi suất đầu cơ vẫn còn cao. Ông nói thêm rằng sức mạnh kiên cường của đồng USD cũng có thể đè nặng lên kim loại vàng trong thời gian tới. Ngoài ra, vàng chịu áp lực từ các tổ chức giao dịch vàng lớn. Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã giảm lượng vàng nắm giữ trong nhiều phiên ở tuần rồi.
Mark Leibovit - nhà xuất bản tờ VR Metals/Resource Letter, cho biết đang dành quan điểm tiêu cực cho giá vàng trong ngắn hạn nhưng vẫn lạc quan trong dài hạn. Ông nói rằng bản thân thấy đợt bán tháo vàng diễn ra đến giữa tháng 12 với giá giảm xuống còn 1.400 USD/oz.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều nhà đầu tư tin vào khả năng vàng sẽ tăng giá. Chẳng hạn chuyên gia phân tích thị trường tại Oanda, ông Edward Moya, nhận định giá vàng sẽ tăng khi mà kinh tế châu Âu trì trệ, bất ổn thương mại kéo dài và tình hình Hồng Kông dường như không có gì cải thiện. Giữa tuần rồi (ngày 21/11), các nghị sĩ Mỹ đã thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger theo đó nhận định rằng Mỹ-Trung đang "tiến gần đến Chiến tranh lạnh". Xung đột không được giải quyết có thể gây ra các vấn đề "còn tồi tệ hơn" Thế chiến I.
Còn Richard Baker - chủ biên tờ Eureka Miner Report, kỳ vọng thị trường chứng khoán chạm đỉnh có thể cung cấp một số động lực cho vàng vào tuần này. “S&P 500 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào 19/11 (3127,64 điểm). Tôi tin rằng có khả năng đây là đỉnh cao trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, triển vọng vàng tăng cao hơn khi cổ phiếu giảm giá là khá rõ”, ông nói.
Theo Hoàng Yến (Nguoitieudung.com.vn)