Nấm Chẹo (Boóc Pào), là loại nấm mọc tự nhiên trong rừng. Nấm Chẹo có màu đỏ tươi, hình cây ô, to bằng chiếc bát ăn cơm và đặc biệt là có vị thuốc nam khi chế biến. Loại nấm này mọc tự nhiên, không nuôi trồng.
Nấm Chẹo vì nấm mọc ở dưới tán cây Chẹo (hoặc cây Dẻ). Tuy nhiên không phải gốc Chẹo nào nấm cũng mọc. Thông thường nấm mọc nhiều ở những đồi Chẹo có cây giàng giàng, đặc biệt là vùng chuyển tiếp giữa đồi nhiều cây khác với đồi cây Chẹo, Dẻ (mọc dưới gốc).
Một số khu vực tập trung nhiều nấm Chẹo gồm vùng thuộc Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang...
Thông thường loại nấm này mọc 2 lần/năm, khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Đặc biệt là mọc đơn độc, không theo cụm.
Thường nấm chỉ mọc khoảng 1 tuần/tháng vào lúc thời tiết nóng. Người dân đi hái nấm từ 2-3 giờ sáng, khi nấm vừa mọc, hình cái ô, chưa xoè to ra, cho giá trị kinh tế lớn. Theo kinh nghiệm của người dân hái nấm, khi hái không được nhổ toàn bộ mà phải để lại gốc nấm. Từ đây, những cây nấm mới sẽ tiếp tục mọc nữa. Khi cầm nấm phải hết sức nhẹ nhàng bởi nấm Chẹo rất dễ vỡ.
Nấm chẹo được mệnh danh là "vàng ròng", "vàng đỏ" của rừng. Nguyên nhân là bởi, loại nấm này có giá bán khá cao, đắt gấp nhiều lần những loại nấm thông thường.
Theo chia sẻ của một thương lái, giá nấm tươi thu mua tại vườn 200.000 đồng/kg, còn dòng sấy khô là 1,5 triệu đồng. "Nếu vào mùa mưa, cứ 1 kg nấm khô thì cần 7 kg nấm tươi, còn mùa hè thì chỉ cần 6 kg. Nấm sẽ được mang về rửa sạch, loại bỏ đất, rồi hong, sấy khô trong vòng 1 ngày" - thương lái này cho hay.
Một đầu mối thu mua nấm khác cho biết, mặt hàng này bán rất chạy, không bao giờ sợ ế vì tiệm thuốc bên Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao để mua. "Có những thời điểm, nấm chẹo được giá, bán ra thị trường là 2 triệu đồng/kg. Còn bình thường như hiện nay thì 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg", chị này nói.
Nhờ vào hái nấm, nhiều người dân đã sắm được nhiều vật dụng có giá trị. Chị Nguyễn Thị Thêm, một gia đình tại Bắc Giang cho hay, mỗi vụ nấm, gia đình chị thu về 40 triệu đồng: "Mùa cây dẻ rụng hạt thì nhặt hạt bán. Đến mùa nấm, tôi lại vào rừng hái nấm. Tính ra, mỗi vụ nấm, gia đình thu về gần 40 triệu đồng".
Hay như trường hợp của gia đình anh Vỹ, ở xã Vô Tranh (cùng huyện). Gia đình anh sắm được ti vi, tủ lạnh cũng như nhiều vật dụng trong gia đình đều từ những mùa nấm Chẹo.
Do giá thành đắt đỏ nên khách mua về làm thuốc là chính, ít khi làm thực phẩm. Về đông y, theo bài thuốc dân gian và kinh nghiệm lâu đời của người dân địa phương thì nấm Chẹo làm tăng khả năng thụ thai cho những phụ nữ sống trong điều kiện khí hậu lạnh, khó sinh nở.
Những cây nấm vẫn còn nguyên hình dạng chưa sứt mẻ hay bị nát, gãy, thì mới được người dân chế biến thành các món ăn. Chế biến nấm khá đơn gián. Nấm sau khi hái về làm sạch lớp màng bao bọc trên mũ nấm, cắt bỏ gốc. Trước tiên, rửa sạch nấm bằng cách rửa nhẹ vào tai nấm, sau đó chẻ nhỏ, để ráo nước.
Nấm thường dùng để nấy canh hay xào thịt trâu khô hoặc thịt nạc. Nếu nấu canh thì đun nước sôi sau đó cho nấm và lá bí vào nấu sôi đến chín thì mang ra ăn. Nấm Chẹo còn để hầm xương lợn. Người vùng cao thường dùng canh nấm Chẹo để giải rượu.
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)