|
Vải thiều Bắc Giang chủ động tìm thị trường. Ảnh: Trần Quý. |
Theo đó, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường trong nước. Đặc biệt, năm nay, dự kiến thị trường phía Nam sẽ chiếm 60% lượng vải tiêu thụ nội địa, tăng khoảng 10% so năm 2014. Tỉnh đã cử các đoàn làm việc với các sở Công Thương như Hà Nội, TPHCM, các tỉnh biên giới và nhiều tỉnh thành; chợ đầu mối, các siêu thị lớn như Metro, Co.op mart, Big C… tìm hiểu nhu cầu thị trường, kết nối thông tin. “Thông tin về chất lượng, sản lượng, tổ chức dịch vụ…về vải đã được gửi đến những nơi tiêu thụ, tạo sự thông suốt, đồng bộ hai chiều”- ông Hạnh nói.
Là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm ngoái Hà Nội dùng tới 30.000 tấn. Theo bà, để giảm áp lực cho vải chính vụ, Hà Nội sẽ chỉ đạo chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, có cam kết hoặc bản ghi nhớ với các DN tiêu thụ vải ở Bắc Giang, trên cơ sở thống nhất về giá, tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Ngoài ra, nếu cần thiết, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các xe tải khoảng 5 tấn chở vải vào thẳng các chợ trung tâm thành phố để bán.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Co.op mart cho biết, năm nay hệ thống siêu thị này trên cả ba miền sẽ tăng tiêu thụ vải lên đến khoảng 900 - 1.000 tấn.
Hạn chế phụ thuộc Trung Quốc
Trong số 50.000 tấn vải tươi dự kiến xuất khẩu, thị trường Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đặc biệt quan trọng, khi chiếm tới 90% sản lượng vải xuất khẩu. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bùi Văn Hạnh, năm ngoái có tới 460-480 thương nhân Trung Quốc vào Bắc Giang liên hệ, giám sát thu mua vải. “Năm nay, dù chưa vào chính vụ, nhưng những mối quen cũ cũng đã có trao đổi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, tổ chức kết hợp thương nhân Việt Nam và Trung Quốc, tránh việc ép giá, lộn xộn về an ninh trật tự”- ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, sắp tới, Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị tại hai địa phương có cửa khẩu xuất vải sang Trung Quốc là Lạng Sơn, Lào Cai; cùng sự tham gia của 2 huyện phía Trung Quốc là Hà Khẩu và Bằng Tường.
Hiện Bắc Giang cũng đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang thị trường mới, khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… Là “kinh đô” vải thiều, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết: Địa phương đã phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT, triển khai quy hoạch vùng vải thiều chất lượng cao, xuất sang Mỹ, Nhật, EU. Tập huấn cho cả cán bộ và người dân, sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP.
Ngoài ra, Lục Ngạn cũng thực hiện nghiêm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là vùng vải chất lượng cao, không sử dụng thuốc có 5 nhóm hoạt chất phía Mỹ cấm. Ông Tấn hồ hởi: “Vải thiều Lục Ngạn vừa nhận được văn bằng bảo hộ tập thể, với nhãn hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” tại 5 nước là Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và Campuchia. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành T.Ư, tiếp tục đăng ký cấp bằng bảo hộ tập thể đến những thị trường Mỹ, Úc, Singapore, Nga, Anh, Pháp, Canada”.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Công Thương) cũng cho biết, nhiều thị trường rất quan tâm đến quả vải như: Singapore, Úc, EU… Riêng thị trường Mỹ, năm nay chấp nhận cho Việt Nam xuất 600 tấn, DN xuất khẩu phải đăng ký với phía Mỹ, hàng xuất vào nước này phải được chiếu xạ. Theo bà Thảo, hiện Bộ NN&PTNT dự kiến xây dựng một trung tâm chiếu xạ mới ở phía Bắc. “Nếu đề xuất này thực hiện được trong năm nay, sẽ là một cơ hội tốt cho các mặt hàng cần chiếu xạ, tránh phải vận chuyển vào Nam, chi phí sẽ rất cao”- bà Thảo nói.
Vụ vải năm 2015, Bắc Giang có khoảng 32.000 ha, sản lượng ước tính 160.000 tấn quả tươi (giảm khoảng 30.000 tấn so năm ngoái). Trong đó, huyện Lục Ngạn có sản lượng lớn nhất với khoảng 90.000 tấn, Lục Nam gần 30.000 tấn, Yên Thế khoảng 12.000 tấn… Vụ vải chín sớm (thu hoạch 20/5 đến 10/6) toàn tỉnh khoảng 25.000 tấn (chiếm 16%), còn chính vụ (từ ngày 15/6 đến 10/7). Theo dự báo, sản lượng vải tươi tiêu thụ nội địa năm nay của Bắc Giang chiếm khoảng 60% (khoảng 96.000 tấn), xuất khẩu 64.000 tấn.
Theo Phạm Anh - Nguyễn Trường (Tiền Phong)