VAFI tiếp tục “tố” Bộ Công Thương níu kéo bàn giao Sabeco cho SCIC

20/07/2016 09:08:00

VAFI cho biết rằng, mục tiêu thành lập SCIC là nhằm chuyên môn hoá công tác quản lý vốn nhà nước, tách vai trò quản lý nhà nước và vai trò quản lý doanh nghiệp của các Bộ để tránh xung đột lợi ích.

VAFI cho biết rằng, mục tiêu thành lập SCIC là nhằm chuyên môn hoá công tác quản lý vốn nhà nước, tách vai trò quản lý nhà nước và vai trò quản lý doanh nghiệp của các Bộ để tránh xung đột lợi ích.
 
VAFI tiếp tục “tố” Bộ Công Thương níu kéo bàn giao Sabeco cho SCIC

Trong một văn bản phát đi ngày 19/7, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục nêu quan điểm liên quan đến việc chậm cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).

VAFI cho biết, hơn 10 năm trước, dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải quản lý thì sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC được Chính phủ thành lập, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ được nhanh chóng bàn giao về cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước .

Tuy nhiên, trong 9 năm dưới thời nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lại làm ngược lại, điển hình tiêu biểu là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.

“Mục tiêu của việc thành lập SCIC là nhằm chuyên môn hóa công tác quản lý vốn nhà nước, tách biệt vai trò quản lý nhà nước và vai trò quản lý doanh nghiệp của các Bộ để tránh xung đột lợi ích, giúp các Bộ ngành, địa phương có nhiều thời gian cho công tác quản lý nhà nước nhưng tại sao có tình trạng níu kéo, chậm trễ trong việc bàn giao vốn cho SCIC?”, VAFI đặt câu hỏi.

Mặc dù cho rằng, SCIC vẫn còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý cổ phần nhà nước, tuy nhiên theo VAFI, năng lực quản lý vốn của SCIC còn hơn nhiều năng lực quản lý vốn của Bộ ngành địa phương.

Cụ thể, VAFI cho rằng, SCIC có vai trò thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, trong khâu bổ nhiệm nhân sự chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc thì SCIC không dám “làm liều” như Bộ Công Thương. “Sau vài lần thất bại thì cán bộ của SCIC không dám đảm nhận chức danh Chủ tịch, Tổng giám đốc mà thường những chức danh này được tuyển chọn từ doanh nghiệp”, đại diện VAFI cho hay.

Đề cập đến việc có thể ra đời Uỷ ban Quản lý và Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp hiện đang được lấy ý kiến từ các Bộ, ngành theo VAFI, trường hợp như Bộ Công Thương tại Sabeco và Habeco không khắc phục sẽ là một thách thức cho sự thành công của việc ra đời “siêu uỷ ban” này.

Tại văn bản lần này, đại diện VAFI, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI cũng chỉ ra một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương như Vinatex, Petrolimex, nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn… không chịu niêm yết.

Dẫn nội dung Điểm 2 Điều 14 của Quyết định 51: “Đối với doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành”, VAFI cho biết, Sabeco và Habeco là điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)