VAFI nêu 5 "sai lầm" của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

20/07/2016 15:24:00

Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa tiếp tục nêu ý kiến về những "sai lầm" trong công tác quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp của nguyên Bộ trưởng Công Thương.

Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa tiếp tục nêu ý kiến về những "sai lầm" trong công tác quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp của nguyên Bộ trưởng Công Thương.
vafi-neu-5-sai-lam-cua-nguyen-bo-truong-vu-huy-hoang

Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: H.H

Trong văn bản lần này, lãnh đạo VAFI nêu ra 5 vấn đề được nhìn nhận là "sai lầm" của cựu Bộ trưởng, liên quan đến bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại doanh nghiệp, chậm bàn giao các doanh nghiệp thuộc bộ về SCIC, chậm cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu... cũng như tái khẳng định việc sai luật trong bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Hoàng) về các doanh nghiệp... Nhiều vấn đề được VAFI so sánh với giai đoạn điều hành của lãnh đạo tiền nhiệm hoặc các bộ khác.

Cụ thể, lãnh đạo VAFI cho rằng "sai lầm" đầu tiên của ông Vũ Huy Hoàng là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị.

Điển hình là chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo đó, thành tích quản trị của các lãnh đạo đương nhiệm được VAFI đánh giá là "rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo qua thử thách và có nhiều thành tích cũng như kinh nghiệm".

Tại Sabeco, VAFI cho rằng Chủ tịch đương nhiệm là ông Võ Thanh Hà không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhưng vẫn được kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc. "Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn Nhà nước. Tại sao Bộ Công Thương không bổ nhiệm Tổng giám đốc. Chẳng lẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí này?", VAFI chất vấn.

Tại nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí, điện, than... VAFI nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy sự sốt sắng với định hướng cổ phần hóa. Bộ máy quản lý cồng kềnh, chưa hoạt động theo mô hình tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian.

Ngoài ra, người đại diện VAFI còn cho rằng các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như thép, hóa chất, than khoáng sản... ở vị thế tài chính rất yếu so với trước đó 10 năm. "Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên", bài viết nêu.

Thứ hai, VAFI cho rằng Bộ Công Thương đã chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho Tổng công ty Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), điển hình là Sabeco, Habeco... VAFI nhận định SCIC vẫn còn nhiều yếu kém song năng lực quản lý vốn còn hơn nhiều các bộ ngành, địa phương.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công Thương được nhận định là trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng.

VAFI chỉ ra rằng trong giai đoạn trước, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng thông qua việc bán bớt cổ phần Nhà nước và IPO như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Đạm Phú Mỹ... nhưng những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex... lại chưa chịu lên sàn.

"Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy niêm yết nhưng tại sao không chấp hành lệnh của cấp trên. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện, hoặc như Sabeco có nói rằng, họ không có thẩm quyền quyết định", VAFI chất vấn.

Cùng với niêm yết, lãnh đạo VAFI cho rằng phong trào cổ phần hóa cũng đi xuống và trì trệ. Bộ quản lý nhiều doanh nghiệp Nhà nước song lợi nhuận tại các đơn vị này lại thua xa so với các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải...

Cuối cùng, bài viết cũng nhắc lại và phân tích việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng quản trị Sabeco là "mang đậm tính vụ lợi và bị nghiêm cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng". Theo VAFI, trong thời gian ngắn công tác ở Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, ông Vũ Quang Hải đã được làm kiểm soát viên của Vinataba. Việc bổ nhiệm này là sai luật.

Cụ thể, theo Luật Công chức Nhà nước, để làm thành viên Ban kiểm soát, người được bổ nhiệm phải là công chức. Tuy nhiên, theo thông tin ông Vũ Quang Hải trả lời báo chí được VAFI dẫn lại, vị này về Cục Xúc tiến thương mại không theo cơ chế tuyển dụng ngạch công chức.

"Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác. Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng, là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị thì rõ ràng việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải là không đúng luật", VAFI phân tích và khẳng định Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định "nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi".

Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. Tổng bí thư giao Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành các công việc thuộc thẩm quyền, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng một cách "khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép nào".

Trước đó, từ giữa tháng 6/2016, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam mà trực tiếp là Phó chủ tịch Nguyễn Hoàng Hải đã có nhiều văn bản, bài viết gửi các cơ quan chức năng, các cá nhân liên quan cũng như đăng tải trên website liên quan đến việc quản lý vốn, cán bộ Nhà nước tại Sabeco cũng như hoạt động điều hành của Bộ Công Thương và cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đến ngày 28/6, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn trả lời VAFI về một số nội dung liên quan.

VAFI là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2003 theo quyết định của Bộ Nội Vụ. Tổ chức này có chức năng và thường đưa ra các đề xuất cải thiện môi trường đầu tư; bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư; góp ý, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển thị trường tài chính, các định chế tài chính tại Việt Nam...


Theo Bạch Dương (VnExpress.net)

Nổi bật