Theo BCĐ 389 Quốc gia, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, kết quả giám định chỉ số Octan (RON) trong pha chế xăng thấp; thủ đoạn pha chế dung môi đa dạng; pha chế các hợp chất dung môi không được dùng cho động cơ đốt trong gây hậu quả với môi trường, an ninh năng lượng và quyền lợi của người tiêu dùng.
Pha trộn dung môi để pha chế xăng kém chất lượng
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 (BCĐ 389) cho biết, đã phát hiện, xử lý, xử phạt và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra một số vụ việc được phát hiện tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, TPHCM, Lâm Đồng, Cần Thơ… nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, kết quả giám định chỉ số Octan trong xăng pha chế có vụ dưới 70% chỉ số theo quy chuẩn kỹ thuật); nguồn gốc dung môi để pha chế xăng kém chất lượng chủ yếu từ Cần Thơ, TPHCM…; thủ đoạn pha chế từ 25% - 30% chất dung môi vào xăng quy chuẩn để tạo ra lượng xăng mới nhiều hơn nhưng có chỉ số RON thấp; hợp đồng mua bán chất dung môi được ghi chất dung môi Solmix không được dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng…
Cụ thể, ngày 1.11.2017, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 6 thuộc Cty TNHH & TM Hồng Thái (tỉnh Bắc Giang) kinh doanh xăng kém chất lượng, qua lấy mẫu đã phát hiện chỉ số RON chỉ đạt 69,4/92. Báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, trong năm 2017 đã phát hiện 6 vụ vi phạm chất lượng, trong đó có 3 mẫu xăng E5 RON 92 và RON 95 tại 1 doanh nghiệp trên địa bàn không đạt chất lượng theo quy định. Gần đây nhất, ngày 9.1, tại thành phố Cần Thơ, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt cây xăng pha thêm 11 lít hợp chất Solmix vào 1 chiếc xe bồn đang chứa 3.000 lít xăng A95.
Trước đó, hồi tháng 10.2017, sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã làm rõ hành vi vi phạm của Công ty TNHH Thanh Ngũ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) và Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục đã đổ chất dung môi vào bồn xăng tại điểm kinh doanh xăng dầu cho khách hàng. Sau khi bị phát hiện, 2 cơ sở này thừa nhận pha dung môi và chất tạo màu với tỉ lệ 20% - 50% vào xăng RON92.
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - ông Trần Hùng đánh giá: “Vấn đề xăng kém chất lượng, Văn phòng 389 hay lực lượng QLTT cũng không thể xử lý. Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực này là ai? Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm soát chất lượng. Chất lượng xăng như thế nào thì phải tới Bộ KHCN, phải hỏi Tổng Cục đo lường chất lượng, dưới mỗi địa phương cũng có 1 Chi cục Quản lý chất lượng, trách nhiệm của người ta có các cơ sở giám định chất lượng đảm bảo hay không và khi xảy ra sự cố phải về chỗ đấy. Người ta khẳng định đúng hay sai thì QLTT mới xử lý được, chứ không thể cứ nói chung chung trách nhiệm của QLTT”.
Sẽ tăng cường chống gian lận thương mại xăng dầu
Các hành vi pha trộn phụ gia, tạp chất vào xăng, dầu không chỉ gây tổn hại tới môi trường, phá hoại động cơ - là tài sản của người tiêu dùng mà còn có nguy cơ gây ra những tai nạn cháy nổ thương tâm cho người sử dụng. Theo các chuyên gia, hành vi pha tạp chất vào xăng dầu đã có từ lâu và việc kiểm soát hành vi này rất khó. Thông thường, việc pha chế phụ gia vào xăng dầu là cần thiết, nhưng nếu không kiểm soát được số lượng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng xăng dầu. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, có 3 loại phụ gia có thể pha vào xăng là ethanol, acetone và methanol, đều là phụ gia chứa hợp chất gốc oxy.
Thực tế, hiện nay chúng ta đã thực hiện pha tới 5% ethanol- cồn sinh học vào xăng để làm xăng E5, thân thiện với môi trường. Với các loại phụ gia là acetone và methanol, chỉ có thể pha trộn ở tỉ lệ rất nhỏ dưới 2%, ở mức độ này sẽ không gây ảnh hưởng tới chất lượng xăng và từ đó không làm ảnh hưởng xấu tới động cơ. Mục đích của việc pha trộn này là nhằm làm tăng trị số Octan.
Mặc dù vậy, vì hám lợi, nhiều thương nhân hoặc các chủ cây xăng đã cố tình pha chế với liều lượng lớn hơn, nếu ở mức độ trên 20% sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt độ bình thường, làm thay đổi cân bằng về hơi, áp suất hơi trong động cơ cũng bị thay đổi theo. Tác động xấu dễ nhận biết bằng mắt thường là làm trương nở các chi tiết động cơ làm bằng vật liệu cao su, vật liệu tổng hợp hoặc làm động cơ có các vấn đề trục trặc khác và có thể từ đó khiến cho khả năng giữ kín không được đảm bảo, gây rò rỉ nhiên liệu tạo thành nguy cơ cháy nổ rất cao.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 - cho biết: “Kế hoạch 410 về chống gian lận thương mại xăng dầu đã tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Vừa rồi, một số thông tin chúng tôi đã phối hợp với chương trình của truyền thông và thẩm tra xác minh những nguồn tin. Chúng tôi đã phát hiện những thông tin đó là hoàn toàn chính xác và chúng tôi đã xử lý, xử phạt những đơn vị kinh doanh xăng dầu kém chất lượng với số lượng tiền tương đối lớn và đã đình chỉ hoạt động những cây xăng đang có hành vi sai phạm”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) Trần Văn Vinh: Đúng là tình hình buôn lậu và gian lận thương mại về xăng dầu vẫn đang diễn ra khá nóng. Cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận về xăng, dầu tại các địa phương như: Nghệ An, Bắc Giang, TPHCM, Cần Thơ, Bình Thuận... Trước tình hình phức tạp trên, chúng tôi đã có công văn yêu cầu các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, sở KHCN các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời, Tổng cục đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh để kiểm soát hiện tượng buôn lậu, gian lận về xăng dầu và lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để giám sát, lấy mẫu liên tục nhằm kiểm tra, phát hiện sai phạm. ĐẶNG TIẾN ghi
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Thanh (Phó trưởng bộ môn kỹ thuật cơ khí, Khoa Công nghệ, Đại học Cần Thơ) cho biết: Solmix là loại hợp chất thu được từ quá trình chiết xuất dầu mỏ. 1 lít Solmix có giá khoảng 11.000 đồng, sau khi pha loãng với xăng A95, nó sẽ được bán với giá hơn 20.000 đồng/lít.
Theo Đức Thành (Lao Động)