Một năm giảm mạnh
Đồng USD vừa trải qua một năm giảm mạnh trong bối cảnh đồng Bitcoin tăng vọt, giá vàng đi lên và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không ngừng leo thang.
Tính chung trong cả năm 2020, theo FactSet, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 6,7% xuống mức 89,77 điểm.
Đây là năm đầu tiên kể từ 2017 đồng bạc xanh giảm.
Đồng USD giảm mạnh trong năm 2020 sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ từ tháng 2-3/2020, tạo ra một cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính, qua đó kéo chỉ số DXY lên mức cao nhất trong hơn 3 năm.
Hành động bơm tiền vào các thị trường tài chính và thực hiện hợp đồng hoán đổi với ngân hàng trung ương các nước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đảo chiều đồng USD, đẩy đồng tiền này giảm nhanh.
Đà suy giảm sau đó kéo dài tới cuối năm do giới đầu tư đặt cược vào việc Mỹ tăng mức kích thích kinh tế; đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại nước này cho dù thế giới có những tiến bộ về vaccine ngừa dịch bệnh và nền kinh tế Mỹ hồi phục chậm chạp hơn nhiều so với các nền kinh tế khác.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ngày càng nhiều khu vực của Mỹ chứng kiến hoạt động kinh tế bị đình trệ hoặc chậm lại trong năm 2020 do đại dịch. Nhiều doanh nghiệp thiếu lạc quan về triển vọng kinh doanh.
Kể từ khi đại dịch bùng nổ tại Mỹ, Fed đã cắt giảm lãi suất về 0% và bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần nhấn mạnh rằng cần thiết phải tăng cường các gói viện trợ của chính phủ để duy trì sự phục hồi, giúp các doanh nghiệp cùng các hộ gia đình Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đồng bạc xanh giảm trong năm 2020 còn trong bối cảnh chính trường Mỹ rối ren và ông Joe Biden được xác nhận là tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ông Joe Biden được cho là người sẽ có những chính sách bơm tiền mạnh tay hơn so với ông Trump.
Hiện tượng đồng Bitcoin tăng mạnh, với mức tăng 300% trong 2020 lên 34.720 USD đổi 1 Bitcoin cũng là yếu tố gây áp lực giảm giá lên đồng USD.
Đồng tiền của Mỹ còn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai gia tăng sau khi chính phủ nước này tăng cường chi tiêu để ngăn chặn tình trạng hoạt động kinh doanh bị đình đốn do Covid-19. Dữ liệu cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa tháng 12/2020 tăng lên mức cao kỷ lục 84,8 tỷ USD.
USD chịu sức ép đi xuống trong 2021
Bước sang năm mới 2021, đồng USD rớt xuống đáy mới trong 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, đồng tiền này hồi phục mạnh trong vài phiên gần đây khi đồng Bitcoin tụt giảm từ đỉnh cao lịch sử 42.000 USD/1 Bitcoin có lúc xuống 30.000 USD/1 Bitcoin.
Đang có những tín hiệu giống như năm trước. Trong chưa đầy 3 tháng đầu 2020, USD là đồng tiền tăng mạnh nhất thế giới. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi đó khi Fed thay đổi chính sách, có nhiều hành động bơm tiền vực dậy nền kinh tế.
Trong năm 2021, nền kinh tế Mỹ cũng chịu rất nhiều áp lực, từ một đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn diễn biến khó lường và khó có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay, cho đến những bất ổn về chính trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân thế giới sẽ không thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường. Việc triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid tại nhiều nước sẽ không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng cho toàn thế giới năm 2021.
Nước Mỹ, bên cạnh đó, đang bị chia rẽ sâu sắc. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng hồi phục của đồng USD.
Việc đảng Dân chủ chiếm ưu thế tại lưỡng viện quốc hội Mỹ có thể khiến đồng USD suy giảm mạnh hơn và các nhà đầu tư đang đặt cược vào kịch bản quy mô gói kích thích sẽ gia tăng.
Bên cạnh đó, với triển vọng lãi suất được duy trì ở mức gần bằng 0 trong nhiều năm tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây cam kết sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu hiện tại cho đến khi nền kinh tế đạt tiến bộ đáng kể hơn nữa trong việc khôi phục thị trường việc làm và đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Cũng dưới thời ông Joe Biden, chính quyền mới của Mỹ được dự báo sẽ theo đuổi chính sách bớt cứng rắn hơn với Trung Quốc, điều này được cho là sẽ có lợi cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại tạo áp lực giảm giá cho USD.
Trên CNBC, chuyên gia của ING cho rằng, đồng USD có thể mất giá thêm từ 5-10% trong năm 2021 do Fed tạo điều kiện để nền kinh tế tăng nóng.
Đồng USD cũng được dự báo sẽ biến động trái chiều so với các loại tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán Mỹ. Trong ngắn hạn, chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đi lên khi mà tiền được bơm ra và kinh tế Mỹ hồi phục.
Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa sự ham thích rủi ro và tỷ giá đồng USD suy yếu sẽ chỉ thay đổi khi Fed chuyển sang thắt chặt chính sách.
Chính sách duy trì sức mạnh của đồng USD (bắt đầu từ 1995) đã không còn được thực hiện kể từ năm 2017 sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đồng tiền này “quá mạnh” và ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ.
Nhiều khả năng chính sách này vẫn sẽ được bà Janet Yellen, người được Tổng thống mới Joe Biden lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, và Fed duy trì trong thời gian tới. Bà Yellen là người cho rằng một đồng USD yếu hơn sẽ giúp giải quyết thâm hụt tài khoản vãng lai của nước Mỹ. Một đồng USD tăng giá là lực cản cho xuất khẩu của Mỹ.
Theo V. Hà (VietNamNet)