Lãnh đạo hãng vừa có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, đề xuất việc xây dựng cơ sở pháp lý để hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường cũng xác nhận trong buổi làm việc nêu trên, phía Uber có xin ý kiến về việc cùng cơ quan quản lý xây dựng một khung pháp lý cho hoạt động của hãng. Khi xây dựng xong, Bộ sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền, sau đó doanh nghiệp mới thí điểm hoạt động. Đề xuất này cũng đã được Bộ Giao thông chấp thuận về nguyên tắc.
|
Uber đề xuất cơ quan quản lý cho phép thí điểm dịch vụ gọi xe tại nhiều thành phố lớn ngoài Hà Nội, TP HCM. |
Bên cạnh vấn đề pháp lý, phía Uber cho biết cũng đề xuất việc thí điểm dịch vụ tại một số địa phương của Việt Nam. Từ đó, Chính phủ cùng hãng có thể khai thác dữ liệu mỗi chuyến đi của lái xe, hành khách. Lãnh đạo Uber cho rằng mục đích của đề án là hướng đến những yêu cầu, quy định nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, gồm từ việc tuyển dụng, quản lý lái xe đến bảo hiểm... Hãng này cũng đề xuất việc sử dụng công nghệ để người thân có thể theo dõi đánh giá hành trình của khách hàng...
"Hiện Uber đã xây dựng và đang tiến hành điều chỉnh đề án. Sớm nhất trong tuần tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện để gửi lại cơ quan quản lý", ông Michael Brown cho hay.
Chính thức có mặt tại Việt Nam giữa năm 2014, song cũng như tại một số quốc gia khác, Uber gặp khá nhiều trở ngại khi hoạt động kinh doanh, do hình thức kết nối vận tải này chưa được pháp luật điều chỉnh, gây nhiều rủi ro tới an toàn, an sinh xã hội và hoạt động của nhiều doanh nghiệp khác... Uber hiện cung cấp dịch vụ tại 2 thành phố là Hà Nội, TP HCM, đồng thời đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của hãng trên toàn cầu.