Ứ thừa điện gió, điện mặt trời: Lỗi tại quy hoạch

05/05/2021 15:12:09

Vì lượng điện năng lượng tái tạo tăng cao cho nên EVN đã giảm huy động các nguồn điện truyền thống như điện than, khí, thủy điện, đặc biệt lượng điện than giảm đáng kể.

Tăng dùng điện mặt trời, điện gió

Tại buổi chia sẻ thông tin với các chuyên gia về tình hình vận hành hệ thống điện ngày 4/5, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - A0 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) chia sẻ: Covid-19 xảy ra khiến nhu cầu sử dụng điện giảm. Sản lượng điện thực tế năm 2020 là 247 tỷ kWh, tăng trưởng phụ tải ở mức 3%.

“Đó là con số rất thấp. Nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì tăng trưởng thấp cũng vẫn ở mức 9-10%”, ông Ninh nói.

Trong khi đó, năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của điện mặt trời. Cả năm 2020, sản lượng điện năng lượng tái tạo khai thác được là 12 tỷ kWh, cho dù kế hoạch ban đầu chỉ là trên 10 tỷ kWh.

Ứ thừa điện gió, điện mặt trời: Lỗi tại quy hoạch
Đầu tư điện mặt trời gặp những cú sốc không ngờ.

Sang năm 2021, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện. 3 tháng đầu năm, tăng trưởng phụ tải cũng chỉ trên 5%. Sang tháng 4, mức tiêu thụ điện tăng cao hơn, do đó trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng phụ tải xấp xỉ 7,92%.

Việc cung ứng điện từ nay đến hết năm 2021 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và chính sách của Chính phủ. Song, nguồn năng lượng tái tạo vẫn được huy động ở mức cao. Cụ thể, theo ước tính của A0, năm 2021 có thể khai thác 32 tỷ kWh điện tái tạo, gấp hơn 2 lần năm 2020.

Vì lượng điện năng lượng tái tạo tăng cao nên EVN đã giảm huy động các nguồn điện truyền thống như điện than, khí, thủy điện; đặc biệt lượng điện than giảm đáng kể.

Tại một số thời điểm, 8.000MW thủy điện ở miền Trung và miền Nam gần như ngừng phát để ưu tiên huy động nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

Mặc dù công suất lắp đặt của điện gió, điện mặt trời lên đến hơn 20.000MW, chiếm 30% công suất lắp đặt toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện từ nguồn này cũng chỉ chiếm 12%. Do vậy, về cơ bản, nguồn cung hệ thống điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện.

Tuy vậy, ở một số thời điểm, khi nhu cầu sử dụng điện thấp (buổi trưa, các ngày cuối tuần, nghỉ lễ tết), điện mặt trời, điện gió vẫn phải chịu cảnh cắt giảm công suất. Ông Ninh nhấn mạnh đây là do vấn đề khách quan, không mong muốn để đảm bảo an toàn hệ thống.

Nguyên nhân chính là việc phát triển điện gió, điện mặt trời chưa đồng bộ đầu tư các công trình lưới, kinh tế chững lại và ảnh hưởng sâu rộng bởi dịch Covid-19.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, với điện mặt trời trang trại, EVN phải cắt giảm 447,5 triệu kWh, chiếm 13,3% sản lượng điện mặt trời. Dự kiến cả năm 2021, tập đoàn phải cắt giảm 1,25 tỷ kWh, chiếm 9% sản lượng.

Mặc dù ưu tiên năng lượng tái tạo, nhưng việc vận hành hệ thống điện vẫn phải đảm bảo yếu tố thị trường điện, bao tiêu cho các nhà máy điện BOT, các hợp đồng ký Nam Côn Sơn, Tây Nam bộ... Ngoài ra, thủy điện lớn phải đảm bảo cấp nước hạ du, tưới tiêu.

“Đến mùa lũ, bắt buộc huy động thủy điện. Cuối năm nay, sẽ thấy lượng công suất, sản lượng năng lượng tái tạo bị cắt nhiều hơn so với hiện tại vì nước lũ về các hồ thủy điện, nên các nhà máy phải chạy 24 giờ trong ngày”, đại diện A0 lưu ý.

Vì ưu tiên phát năng lượng tái tạo, cho nên các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo và phạm vi mực nước giới hạn, ảnh hưởng an ninh cấp điện cuối mùa khô. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện phải tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy (sự cố Phú Mỹ 2.2, Bà Rịa,... ).

Thống kê của A0 cho thấy, năm 2019 có 4.500MW điện mặt trời vào vận hành thì số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn năng lượng tái tạo là 74 lần; năm 2020 tăng lên 192 lần; còn 4 tháng đầu năm 2021 là 334 lần. Điều này khiến nhiều nhà máy điện BOT “kêu rất nhiều”.

Ứ thừa điện gió, điện mặt trời: Lỗi tại quy hoạch - 1
Điện gió, điện mặt trời tăng mạnh

Xem lại việc thực hiện quy hoạch

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, tỏ ra băn khoăn khi nguồn điện gió, điện mặt trời thực tế cao hơn rất nhiều lần so với công suất đưa ra tại quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh.

“Tại sao đặt ra quy hoạch nhưng không phát triển theo? Nếu công suất thực tế có sự khác biệt so với quy hoạch thì ai là người chịu trách nhiệm? Bởi, việc không tuân thủ quy hoạch đã gây ra các vấn đề như EVN đề cập. Sau này, một quy hoạch khác như quy hoạch điện 8 được xây dựng, người ta lại không tuân thủ thì sao? Nếu thế chúng ta chẳng cần sử dụng quy hoạch để quản lý nữa mà chuyển sang công cụ khác”, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra hàng loạt thắc mắc.

Bình luận sau đó, GS. Trần Đình Long, Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng, câu chuyện "bùng nổ" năng lượng tái tạo là một vấn đề. Nếu có một quy hoạch tốt thì không có gì là bùng nổ.

"Do mất kiểm soát mới dẫn đến bùng nổ. Nhiều năm chúng ta hô hào đầu tư năng lượng tái tạo nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ. Chỉ cần Nhà nước đưa ra một tín hiệu giá điện 9,35 cent/kWh, các nhà đầu tư đã vào mạnh mẽ, dẫn đến thiếu kiểm soát và các vấn đề như đã nêu", ông Long nhận xét.

Cũng theo ông Long, một số vấn đề khó khăn trong quản lý hệ thống điện cũng xuất phát từ quản lý nhà nước. "Khi điện mặt trời phát triển, những người làm dự án đã không tham vấn ý kiến của hệ thống vận hành điện. Ví dụ, khi làm dự án thì nên hỏi bên A0, họ có thể trả lời là dự án đó có vấn đề gì lưới điện, hay hỏi cơ quan lập quy hoạch... ”, ông Long chia sẻ.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

 

Nổi bật