Bộ GTVT đã từng làm việc nhiều lần với Vinalines, đưa ra nhiều phương án nhưng khả thi nhất vẫn là cho bán để thu hồi vốn.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chính thức, giao toàn quyền cho HĐTV Vinalines được bán nguyên trạng ụ nổi 83M trên nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Trước đó, trong đề xuất cuối tháng 2/2016, Vinalines muốn “bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M” với mức khởi điểm 34,8 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách của ụ nổi là khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 22/3, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Bộ cũng muốn bán nhanh, vì để càng lâu thì càng lỗ, càng xuống cấp, trong khi không có tiền để bảo dưỡng, duy trì hoạt động, đồng thời không có tiền để trả cho người làm nhiệm vụ bảo vệ.
Đặc biệt, ụ nổi để lâu thì càng ngày càng hỏng và xuống cấp, thậm chí nếu gặp thời tiết không bình thường như sóng, bão thì nó có thể bị chìm đắm, va đập vào các công trình khác, các phương tiện khác gây thiệt hại lớn. Nặng nề nhất đó là mối nguy hại gây ô nhiễm môi trường".
Theo ông Công, trước đây, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp Tổng công ty hàng hải Vinalines, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Vinashin, xây dựng các phương án làm sao khai thác, giảm lỗ hiệu quả.
Ụ nổi 83M
Nhưng qua nhiều lần làm việc, không thể tìm ra phương án nào, không có đối tác nào chấp nhận tham gia mua. Nên mong muốn bán đi để thu hồi vốn, giảm thiểu thiệt hại cũng khó khăn nhiều.
"Thế nhưng, việc đấu thầu bán là phải theo quy định của pháp luật, phải thuê một đơn vị kiểm định đánh giá thực trạng tất cả các mặt của ụ nổi, rồi đưa giá một giá khởi điểm, sau đó chào giá, ai trả cao nhất thì người đó sẽ mua được.
Vấn đề ở đây ai cũng khẳng định nó thiệt hại rất nặng nhưng làm sao để giảm bớt thiệt hại? Tôi nghĩ, không những không bán được gần 35 tỷ đồng mà trừ đi các chi phí phát sinh như chi phí neo đậu, tiền trả cho người trông nom, chi phí bảo dưỡng thường xuyên thì còn không đủ.
Điều đáng nói, bản thân công ty Vinalines hiện nay cũng rất khó khăn, đã được hỗ trợ rất nhiều nhưng không thể hỗ trợ được mãi để duy trì hoạt động của ụ nổi này.
Bán thu hồi vốn là phương án tối ưu
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, trước đề xuất chi trả thêm chi phí để cho một công ty nào đó, đưa ụ nổi 83M về khai thác với mục đích khác, ông Công nói: "Vấn đề bán thì kiểu gì cũng phải bán, bán được thì mới tính tiếp, còn nếu không bán được thì cho chắc gì họ đã lấy.
Tôi tin là vẫn sẽ bán được, nhưng bán giá nào mới là quan trọng, vì thanh lý một tài sản thì không có giá này sẽ có giá khác. Giá khởi điểm cứ đưa ra, còn bán được với giá nào thì mới có thể tính toán tiếp".
Trước đề xuất của nhiều chuyên gia hàng hải cho rằng, chúng ta có thể đưa đội tàu "ma” đang bỏ không, hoán cải để làm tàu căn cứ quân sự, như vậy vừa tận dụng, vừa đỡ tốn tiền đóng tàu mới, ông Công cho rằng, đó cũng là một đề xuất cần xem xét.
Nhưng các chuyên gia chưa biết kết cấu, thực trạng của ụ nổi như thế nào. Hơn nữa, ai dám đứng ra nhận ụ nổi này để hoán cải nó?
Đặc biệt, Bộ GTVT cũng đã từng chỉ đạo Vinalines, đồng thời, trực tiếp làm việc đưa ra các phương án, sau đó tổ chức triển khai nhưng tất cả đều không khả thi sau một thời gian dài. Phương án cuối cùng hiệu quả chúng tôi nhận định chỉ có bán ụ nổi để thu hồi nguồn vốn, giảm thiểu thiệt hại.
"Chúng tôi đã đồng ý đề xuất bán ụ nổi này từ lâu, nhưng lúc đó nó là tang vật của vụ án nên cơ quan điều tra không đồng tình cho bán.
Các chuyên gia không biết đến câu chuyện, cũng đã từng có một vài đơn vị định tham gia vào mua lại, nhưng sau khi nghiên cứu tính toán, chi phí bỏ ra sửa chữa rất lớn, khả năng thu hồi rất khó, nên đã không mua", ông Công nói.
Nhấn mạnh thêm một lần nữa, ông Công bày tỏ quan điểm, Bộ GTVT đã chỉ đạo, trực tiếp làm với các đơn vị, đề ra một số phương án, tổ chức thực hiện nhưng các phương án đều không khả thi, cho nên Bộ đã đồng ý cho bán thanh lý để thu hồi, giảm thiệt hại.
Theo Châu An (Đất Việt)