Thông tin trên được ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc điều hành Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam, chia sẻ tại Tuần lễ hàng Việt Nam ở Bangkok.
Tham vọng của đại gia Thái tại Việt Nam
Theo ông Philippe Broianigo, trong 3 năm qua, tập đoàn này đã chi 5,5 tỷ USD thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ.
"Kế hoạch trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, mở khoảng 200 cửa hàng bán lẻ và ưu tiên vẫn là các lĩnh vực thương mại mà chúng tôi đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam", ông Philippe Broianigo cho biết.
Sau 6 năm vào Việt Nam, Central Group Việt Nam đã sở hữu 31 trung tâm mua sắm BigC, 35 siêu thị BigC, 25 siêu thị Lanchi Mart, 50 cửa hàng thời trang, 56 cửa hàng điện máy Nguyễn Kim và hơn 40 cửa hàng bán lẻ trong lĩnh vực mỹ phẩm, văn phòng phẩm... Năm 2017, hàng Việt đưa vào hệ thống bán lẻ của Central Group đạt khoảng 50-60 triệu USD.
Không cung cấp con số cụ thể, ông Philippe Broianigo cho biết doanh số dự kiến của Central Việt Nam năm nay đạt 2 con số (đơn vị tính tỷ baht Thái). Năm 2017, doanh thu của Central Group Việt Nam đạt 4 tỷ baht (tương đương hơn 122 triệu USD).
Đại gia bán lẻ Thái Lan hiện đầu tư vào 6 lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm siêu thị, điện máy, khách sạn, trung tâm thương mại cao cấp, xuất nhập khẩu và bán sỉ. Tập đoàn này nhắm đến mục tiêu tăng trưởng 20-30% mỗi năm tại Việt Nam.
Gia tộc Chirathivat, những người đặt nền móng cho sự thành công của Central Group, là một trong 20 gia tộc giàu nhất châu Á và là đại gia đình giàu thứ 3 ở Thái Lan với giá trị tài sản ước tính 13,8 tỷ USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Người Thái hào hứng với bơ, hoa atiso, cà phê sữa, hạt điều Việt
Trong khi đó bà Jariya Chirathivat - Phó chủ tịch Tập đoàn Central Group, cho rằng Việt Nam là thị trường bán lẻ trọng điểm của doanh nghiệp này vì tốc độ tăng trưởng cao. Cơ hội để tìm kiếm và trao đổi hàng hóa giữa hai nước thông qua hệ thống bán lẻ là rất nhiều. Các trung tâm ở Thái Lan cũng mong muốn thúc đẩy đưa nhiều mặt hàng đặc sản của Việt Nam vào phân phối. Có nhiều mặt hàng mà trước đây Thái Lan phải nhập từ rất xa thì nay Việt Nam có thể sẽ thay thế được.
"Quả bơ và hoa atiso từ Đà Lạt của Việt Nam rất ngon. Thật ra vận chuyển bằng đường bộ và cả hàng không từ Đà Lạt của Việt Nam đến Bangkok của Thái Lan chỉ mất tầm 12 tiếng. Nếu được bảo quản tốt, người Thái hoàn toàn có cơ hội thưởng thức loại hoa quả độc đáo của Việt Nam mà trước đây phải nhập ở nơi khác. Đổi lại, nhà nông vùng cao Việt có cơ hội tăng năng suất, mở rộng thị trường...", bà nói.
Ngoài hai sản phẩm nông nghiệp "độc lạ" của Việt Nam, trao đổi với Zing.vn, một số nhà thu mua Thái cũng cho biết, mặt hàng cà phê sữa, hạt điều rang củi của Việt Nam khiến họ quan tâm thích thú.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, trong lĩnh vực thương mại, Thái Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Thái Lan ở châu Á.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 15,3 tỷ USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15,5% trong giai đoạn 2015-2017. Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Thái đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Về hợp tác đầu tư, Thái Lan hiện đứng thứ 9 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 500 dự án FDI và khoảng 10,2 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký.
"Các số liệu nêu trên cho thấy những bước phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Thái Lan", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đây là năm thứ 3 tuần hàng Việt được tổ chức tại Thái. Năm 2017, có 30 doanh nghiệp tham gia, năm nay tăng gấp đôi với 60 doanh nghiệp tham gia vừa trưng bày giới thiệu sản phẩm tại 3 khu vực sảnh chính của Central World Plaza.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)