Có lẽ nhiều người dân Việt Nam, nhất là ở khu vực thành thị, đều đã từng sử dụng dịch vụ của sàn thương mại điện tử mang tên Tiki.com được “khai sinh” từ năm 2010. Thế nhưng không phải ai cũng biết ông lớn nào đứng đằng sau đổ hàng “núi” tiền để giúp thương hiệu này vươn vai trở thành “đế chế” thương mại điện tử lớn mạnh tại Việt Nam như hiện nay.
Tháng 11/2017, trang thương mại điện tử Tiki.vn công bố thông tin về việc đã gọi thêm được 54,5 triệu USD để chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Và một trong ba nhà đầu tư tham gia rót vốn cho Tiki lần này chính là JD.com - tập đoàn bán lẻ trực tuyến theo mô hình "B2C" (trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng) lớn thứ 2 tại Trung Quốc với số vốn khủng được "bơm" cho Tiki là 44 triệu USD.
Không dừng lại ở đó, chỉ một thời gian ngắn tiếp theo, vào giữa tháng 1/2018, tập đoàn này tiếp tục đổ tiền vào trang thương mại điện tử Tiki với một khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng giúp JD.com chiếm giữ 26% cổ phần. Đây chính là "bàn đạp" giúp "gã khổng lồ" trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc gia nhập cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, cạnh tranh gay gắt với các "đối thủ truyền kiếp" là Alibaba và Amazon.
"Chúng tôi mong đợi việc hợp tác với Tiki sẽ giúp triển khai dịch vụ giao hàng đạt tiêu chuẩn cho người tiêu dùng Việt Nam", ông Winston Cheng, Chủ tịch mảng Quốc tế tại JD.com cho biết.
JD.com là một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc tính theo lượng giao dịch và doanh thu, là đối thủ trực tiếp của Tmall - trang web thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Mạng lưới trung tâm vận hành và kho hàng của JD.com được cho là bao phủ đến tận "hang cùng ngõ hẻm" trên khắp quốc gia tỷ dân Trung Quốc.
Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, trang JD.com sở hữu 302 triệu người dùng. Năm 2019, tập đoàn này báo cáo lợi nhuận hàng năm của mình là 82,9 tỷ USD, một kết quả kinh doanh đáng để nhà sáng lập của nó là tỷ phú Lưu Cường Đông (Richard Qiangdong Liu), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc thở phào nhẹ nhõm. Và tất nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiền bạc trong túi của ông cũng sinh sôi nảy nở theo thời gian.
Theo con số cập nhật mới nhất thì đến thời điểm hiện tại, người đàn ông 47 tuổi này đang sở hữu khối tài sản ròng lên tới 18,5 tỷ USD, xếp thứ 77 trên bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới năm 2021 do tạp chí Forbes bình chọn.
Mơ làm thưởng thôn chỉ để có được những bữa ăn no
Ông Lưu Cường Đông sinh ngày 14/2/1074 tại một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trong một gia đình nông dân nghèo luôn trong tình trạng chật vật kiếm cái ăn qua ngày.
Những ngày thơ ấu khi bố mẹ mải lo bươn chải mưu sinh nơi phố thị, cậu bé họ Lưu chỉ biết quanh quẩn trong nhà cùng bà nội của mình với những bữa cơm đạm bạc với ngô và khoai sắn độn cơm. Mặc dù sống cuộc sống cơ cực ngay từ khi còn nhỏ nhưng Lưu Cường Đông luôn tỏ ra là một cậu bé sáng dạ và có tham vọng lớn hơn nhiều so với tuổi của mình.
Một lần đi ngang nhà của trưởng thôn thấy treo lủng lẳng nhiều súc thịt heo tươi rói, cậu đã tự nhủ lòng rằng, lớn lên sẽ phấn đấu trở thành trưởng thôn để có nhiều đồ ăn ngon không chỉ cho bản thân mình mà còn chia cho bà con trong thôn xóm cùng hưởng.
Bên cạnh đó, Lưu còn thể hiện bản thân là một cậu bé tò mò ham học hỏi. Khi đang học tiểu học, cậu đã cả gan rủ một một đám bạn cùng lớp trốn tiết kéo nhau sang một thị trấn cạnh đó để chứng kiến cách mà người dân ở đó tạo ra điện từ máy nổ, điều mà ngôi làng cậu đang ở vẫn chưa có được khi mà tất cả người dân vẫn đang sử dụng nến hoặc đèn dầu để thắp sáng.
Khi lên cấp 2, thay vì những ngày nghỉ hè buồn tẻ quanh quẩn nơi xóm làng, cậu dốc sạch những đồng tiền tiết kiệm để đi bụi sang thành phố Nam Kinh để đi vòng quanh và tận mắt ngắm tòa nhà chọc trời mà lần đầu tiên trong đời cậu được nhìn thấy. Và ngay từ giây phút ấy, trong giấc mơ hàng đêm của cậu bé nhà quê này chính là những chuyến đi vòng quanh thế giới đến những địa danh nổi tiếng như Bắc Kinh, Paris, London và New York.
Chính vì tư tưởng phải thoát khỏi cái nghèo bằng cách đi thật xa, sau khi học hết bậc trung học phổ thông, chàng thanh niên họ Lưu quyết định chỉ nộp hồ sơ vào các trường đại học ở những thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Cuối cùng, nhờ kết quả xuất sắc cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học, Lưu Cường Đông đã trúng tuyển vào ngành Xã hội học tại Đại học Nhân dân Trung Hoa.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí sau này, ông vẫn nhắc lại thời điểm nhập học nhưng gia đình không có tiền để mua vé tàu hỏa cho ông đi Bắc Kinh, toàn bộ người dân trong ngôi làng nghèo nhưng trọng chữ nghĩa đã góp nhau biếu ông món tiền lộ phí 75 USD (gần 2 triệu đồng) cùng mớ trứng gà và thực phẩm khô giúp ông đủ sống trong vòng một tuần khi đến nơi phồn hoa đô hội lạ nước lạ cái ở thủ đô Bắc Kinh.
Mặc dù theo học ngành xã hội học tại trường đại học với mong muốn sau này sẽ bước chân vào con đường chính trị, thế nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ", cái nghèo và đói của cuộc đời sinh viên đã khiến ông buộc phải kiếm những công việc làm thêm liên quan đến máy tính để rồi quyết định dành thời gian còn lại của mình để tự học thêm về lập trình. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp cuộc đời của ông rẽ sang một con đường khác tạo nên dấu ấn sâu sắc cho sự nghiệp về sau.
Đại dịch SARS và cuộc đổi đời nhờ "gian hàng trên mây"
Thời điểm đó, Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ với công cuộc cải cách thị trường khiến cho nhiều ngành nghề trở nên khát nhân lực trình độ cao hoặc được đào tạo bài bản, trong đó có cả nghề lập trình máy tính.
Nhờ tính chu đáo và cẩn thận, ông dần chiếm được niềm tin của khách hàng và nhận được nhiều công việc lập trình đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể tự mua sắm máy tính riêng để hành nghề cùng chiếc điện thoại di động - vốn là một thiết bị xa xỉ thời bấy giờ. Không chỉ vậy, ông còn mang tiền về quê xây cho bố mẹ mình một căn nhà mới cũng như đóng góp hỗ trợ cho người dân trong làng như một cách trả "món nợ ân tình" mà ông vẫn đau đáu từ khi chân ướt chân ráo lên phố thị theo đuổi nghiệp học hành.
Tốt nghiệp đại học năm 1996, Lưu Cường Đông làm việc tại Japan Life, một công ty chuyên về sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản và liên tục đảm nhận các vị trí lãnh đạo như: Giám đốc máy tính, giám đốc kinh doanh, giám sát hậu cần.
Sau hai năm làm công ăn lương tại Japan Life, tháng 6 năm 1998, vào tháng 6/1998, chàng thanh niên họ Lưu dốc hết vốn liếng tích lũy của mình với món tiền 1.760 USD (40 triệu đồng) để thành lập công ty riêng mang tên là JingDong tại khu công nghiệp công nghệ cao Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh với vai trò là nhà phân phối các sản phẩm từ – quang.
Công việc ăn nên làm ra đến nỗi chỉ trong 5 năm sau khi thành lập, công ty đã phát triển nhanh chóng về quy mô với 12 chuỗi cửa hàng trải dài trên khắp các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Dương với lợi nhuận hàng năm lên tới 9 triệu USD.
Thế nhưng, phải đến năm 2003 thì công ty JD mới bắt đầu định hình để trở thành một JD.com như chúng ta thấy ngày hôm nay. Thời điểm đó, hầu như tất cả các doanh nghiệp ở Trung Quốc, kể cả công ty JD của Lưu Cường Đông, đều phải đóng cửa khi đất nước này bị "cơn đại hồng thủy" dịch SARS càn quét.
Đứng trước bài toán cân não "tồn tại hay là chết", ông Lưu quyết định biến nguy thành cơ bằng cách phát triển doanh nghiệp của mình theo một hướng hoàn toàn mới bằng cách quyết định chuyển sang kinh doanh trực tuyến. Ông thiết lập trang web bán lẻ trực tuyến đầu tiên của mình vào năm 2004 và thành lập công ty thương mại điện tử JD.com vào ngay năm sau đó, đoạn tuyệt hoàn toàn với hình thức bán hàng trực tiếp truyền thống như trước đó.
Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng "cửa hàng trên mây" của mình, ông Lưu từng nhiều đêm thức trắng tự tay mày mò từng dòng code cho trang web, ngủ luôn tại văn phòng thay vì phải tốn tiền thuê nhà. Thời điểm đó, việc mua hàng hóa trên mạng internet là một điều gì đó rất lạ lẫm và không đáng tin cậy đối với đông đảo người dân, thế là Lưu Cường Đông quyết tâm tìm cách làm thay đổi thói quen và quan niệm của khách hàng bằng cách tự mình tiếp nhận và trả lời mọi ý kiến mà khách hàng gửi đến.
Thậm chí lo lắng câu hỏi của khách hàng bị treo lại một thời gian khá lâu mà không được trả lời, ông bèn đặt đồng hồ báo thức cứ 2 giờ lại reo một lần trong suốt cả đêm để ông có thể bật dậy kiểm tra tin nhắn và trả lời các thắc mắc cho khách hàng ngay lập tức. Ông còn thậm chí kiêm luôn cả chân giao nhận hàng để có cơ hội tiếp xúc, hỏi thăm ý kiến của khách hàng về dịch vụ của mình. Chính nhờ sự tận tâm, cầu thị và đặt chất lượng dịch vụ lên cao nhất mà công ty của ông trở nên nổi bật và được tin tưởng bởi khách hàng hơn tất cả các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Năm 2007, Lưu Cường Đông bắt đầu xây dựng một hệ thống vận chuyển có quy mô toàn quốc với tham vọng đưa hàng hóa của mình đến mọi ngóc ngách của Trung Quốc để giúp người dân có thể mua được những món hàng ngay tại làng quê hẻo lánh với giá cả không cao hơn là bao so với việc mua chúng ở những thành phố lớn. Nhờ cách tiếp cận đầy thông minh và táo bạo này, dịch vụ của JD đã phục vụ tới hơn 1 tỷ khách hàng ở khắp mọi miền đất nước.
Đến cuối năm 2014, JD đã thiết lập được 3.210 trạm tiếp nhận và phân phối hàng hóa tại 1.862 huyện, chiếm 2/3 số huyện trên phạm vi cả nước. Thành công này lớn đến nổi cũng ngay trong năm 2014, Amazon cũng quyết định từ bỏ việc thuê đơn vị vận chuyển trung gian để lập nên hệ thống giao nhận của chính mình tại thị trường Mỹ, học tập mô hình mà JD đã thành công ở thị trường Trung Quốc.
JD.com trở thành công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc tính về số lượng giao dịch. Cũng trong năm 2014, JD.com chiếm đến 54.3 thị phần nội địa đồng thời tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ. Kể từ đó, giá cổ phiếu không ngừng tăng lên giúp JD.com trở thành công ty thương mại trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc được lọt vào danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune bình chọn, đồng thời đưa Lưu Cường Đông trở thành một trong những doanh nhân tỷ phú tại Trung Quốc.
Tháng 12/2011, Lưu Cường Đông được vinh dự nhận giải thưởng danh giá mang tên "Doanh nhân của năm" do đài truyền hình CCTV trao tặng cùng nhiều giải thưởng lớn khác, trong đó có danh hiệu "Những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế giới" tạp chí Fortune bình chọn. Ngoài ra, ông còn được mời làm diễn giả tại các sự kiện mang tầm quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) nơi ông phát biểu về xu hướng phát triển của ngành bán lẻ trực tuyến trong tương lai.
Vị tỷ phú với những bê bối tình ái đình đám
Mặc dù rất thành công với công việc kinh doanh, thế nhưng vị tỷ phú điển trai này cũng không ít lần phải "lên bờ xuống ruộng" vì những bê bối tình ái mà mình vướng phải.
Ngày 31/8/2018, truyền thông Trung Quốc rúng động với thông tin, ông Lưu Cường Đông, nhà sáng lập tập đoàn JD.com, bị bắt tại bang Minnesota (Mỹ) với cáo buộc tấn công tình dục một nữ sinh trong chuyến công tác của mình sang Mỹ.
Theo báo chí Mỹ mô tả thì nữ sinh viên người Trung Quốc đang du học tại Mỹ này đã tình nguyện tham gia hỗ trợ các sự kiện liên quan đến một khóa học về công nghệ cao được tổ chức tại Đại học Minnesota cho các Giám đốc điều hành về công nghệ ở Trung Quốc.
Tại đây, Lưu Cường Đông đã làm quen và mời cô gái đến một nhà hàng sang trọng, chuốc rượu say rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Ngay sau đó, nạn nhân đã đến trình báo cảnh sát và Lưu Cường Đông bị bắt ngay lập tức. Tuy nhiên, sau 4 tháng điều tra, tháng 12/2018, tòa án của Mỹ đã tuyên rằng, vụ án ông Lưu Cường Đông bị tố cáo xâm hại tình dục tồn tại vấn đề nghiêm trọng về chứng cứ nên họ quyết định không khởi tố ông Lưu về tội xâm hại tình dục.
Tuy thoát khỏi vòng lao lý nhưng ông Lưu Cường Đông cũng đã phải hứng chịu búa rìu dư luận ở quê nhà cũng như sự rạn nứt trong gia đình với cô vợ "hot girl trà sữa" Chương Trạch Thiên. Đây không phải là lần đầu tiên ông Lưu dính vào bê bối tình dục. Hồi năm 2015, ông cũng từng bị cáo buộc tấn công tình dục một vị khách tại bữa tiệc ở căn hộ hạng sang của mình ở Úc. Tuy nhiên, không có bất cứ cáo buộc nào về hành vi của ông Lưu.
Cuối tháng 2/2020, ông Lưu Cường Đông thông báo quyết định chính thức rời khỏi ghế Chủ tịch hội đồng quản trị và đại diện pháp lý của JD.com. Mặc dù cho rằng, đây là một điều bình thường trong một tập đoàn lớn, thế nhưng nhiều người cho rằng, việc từ bỏ "đứa con" do chính mình sáng lập nên chính là hệ quả của vụ scandal tấn công tình dục nữ sinh mà ông chủ JD.com vướng phải vào năm 2018 ở Mỹ.
Vụ bê bối chấn động của người "đầu tàu" khiến hình ảnh của JD.com bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến giá cổ phiếu lao dốc một thời gian dài trên sàn chứng khoán. Từ đó, Lưu Cường Đông đã mất đi sự tín nhiệm của các cổ đông trong tập đoàn. Ông buộc phải rời khỏi ghế chủ tịch để giúp JD.com thay đổi sang một hình ảnh tích cực hơn.
Đầu tháng 9/2021, JD.com ra thông báo cho biết, ông Lưu Cường Đông sẽ thôi mọi công việc điều hành ở tập đoàn này "để tập trung nhiều thời gian hơn vào việc suy nghĩ các chiến lược lâu dài cho doanh nghiệp của mình".
Mặc dù không còn nắm giữ vai trò lãnh đạo trong công ty nhưng Lưu Cường Đông vẫn là cổ đông lớn nhất của JD.com với 14,02% cổ phần.
Theo Nguyễn Thuận (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)