Hồi tháng 11/2021, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, VinFast có kế hoạch đầu tư 6 tỷ USD để mở một nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ và đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để huy động hàng tỷ USD tài trợ cho việc mở rộng
Đại diện Vingroup khi đó cũng cho biết, VinFast có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong một hoặc hai năm tới. Trong khi đó, các hãng định giá nước ngoài ước tính trị giá công ty vào khoảng từ 25 tỷ đến 60 tỷ USD.
Theo Forbes, tính đến ngày 17/3/2022, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản 6,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm khoảng 26 tỷ USD. Và khi đó, tổng tài sản của ông Vượng sẽ là 32 tỷ USD, lọt top 40 người giàu nhất trên hành tinh theo danh sách của Forbes.
Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, cũng có thêm khoảng 600 triệu USD, nâng tổng tài sản lên khoảng 1,2 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam và Đông Nam Á, chỉ xếp sau nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet, với 3,2 tỷ USD).
Hồi đầu tháng 8/2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 48,5% vốn, tương đương 485 tỷ đồng (cùng với Vingroup 51%) vào CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES), một doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy trong bối cảnh VinFast hướng tới mục tiêu trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu.
VinFast có kế hoạch vào thị trường Mỹ và châu Âu với dòng ôtô điện mô hình cho thuê pin nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM) với kế hoạch doanh số hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ôtô bán ra tại quốc gia này.
Gần đây, nhiều doanh nhân Việt ghi nhận tài sản tăng nhanh nhờ cổ phiếu tăng giá. Vị trí trên bảng xếp hạng thế giới tăng mạnh. Lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận 3 tỷ phú lọt top 1000 người giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes vào đầu tháng 3.
Cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet lên vùng đỉnh lịch sử, giúp tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt đỉnh 3,2 tỷ USD và xếp thứ 942 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Tính tới hết ngày 18/3, danh sách Forbes ghi nhận 3 tỷ phú Việt nằm trong top 1000 người giàu nhất trên hành tinh gồm: tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Cũng theo Forbes, các tỷ phú USD khác của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng của tổ chức này bao gồm: ông Hồ Hùng Anh (2,6 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang (2,1 tỷ USD), Chủ tịch Masan Group; ông Trần Bá Dương và gia đình (sở hữu Tập đoàn Thaco, 1,6 tỷ USD).
Thị trường hồi phục
Theo SHS, việc Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm là động thái được dự báo trước và đã phản ánh vào giá nên điều này trong ngắn hạn cũng không có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, trong phiên giao dịch 18/3, VN-Index tiếp tục đà hồi phục hiện tại để thu hẹp dần khoảng cách với kháng cự 1.470 điểm.
Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục đà hồi phục và VN-Index kiểm định lại ngưỡng 1.470 điểm (tức là đường trung bình 100 phiên). Đồng thời, thanh khoản có thể sẽ cải thiện do ảnh hưởng từ phiên cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, đặc biệt thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn còn thận trọng với xu hướng ngắn hạn hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung duy trì ở mức trung tính.
Chốt phiên giao dịch 17/3, chỉ số VN-Index tăng 2,01 điểm lên 1.461,34 điểm. HNX-Index giảm 0,01 điểm xuống 446,16 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 115,94 điểm. Thanh khoản đạt 25,0 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Theo V. Hà (VietNamNet)