Gần dãy núi Wuyi sương phủ, không khó nhận ra một nhà máy màu vàng khổng lồ nằm gọn dưới từng kẽ lá. Đó là Nongfu Spring - thương hiệu nước đóng chai nổi tiếng của Trung Quốc. Theo Bloomberg, mỗi năm, hơn 1 triệu tấn nước ngọt bơm từ các khu rừng nguyên sinh Wuyi sẽ được chuyển đến cơ sở này. Nước sau khi đóng chai sẽ được chuyển tới hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp đại lục.
Đế chế nước đóng chai thuộc sở hữu của tỷ phú Zhong Shanshan với khối tài sản ròng khoảng 63 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Ông tự hào khoe rằng Nongfu chỉ bán nước khoáng thiên nhiên và khẩu hiệu ‘nước Nongfu có vị ngọt’ sau đó trở thành xu hướng trong khắp các hộ gia đình Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc trải qua mùa hè nóng nhất lịch sử. Ở Wuyi, nông dân trồng chè vật lộn duy trì mùa màng. Mực nước thấp đến mức các di tích cổ từ triều nhà Minh cũng phải lộ thiên trên lòng hồ sâu thẳm.
Trước lời cảnh báo rằng hiện tượng hạn hán có thể tiếp tục kéo dài tại Trung Quốc, các nhà đầu tư và nhiều tập đoàn lớn vội tìm cách kiếm tiền từ một trong những tài nguyên quý giá nhất Trái đất: nước. Ở những nơi như Wuyi, hậu quả từ hoạt động khai thác trên có thể rất nặng nề.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nước đóng chai lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng cũng dự kiến vượt xa Mỹ và Tây Âu trong vòng 2 năm tới đây bởi nước đóng chai được coi là sản phẩm thiết yếu.
Tiềm năng tăng trưởng khiến Nongfu hưởng lợi. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn gấp đôi kể từ đợt IPO, từ đó đưa Zhong, người sở hữu 84% cổ phần, trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo dữ liệu hàng năm mới nhất của công ty, vào năm 2019, Nongfu đã khai thác một lượng đủ để lấp đầy 13.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh. 12 nguồn nước đã được khai thác. Một nguồn khác đang được nghiên cứu xây dựng tại New Zealand và Tây Tạng.
Zhong sinh năm 1954 tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang, trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp của mình tại một tờ báo nhà nước. Năm 1988, ông bỏ nghề, bắt đầu bán một sản phẩm dinh dưỡng và gom vốn làm to. Nongfu theo đó ra đời.
Những chai nước nhỏ gọn được bán với giá 2 nhân dân tệ của Nongfu ngày càng trở nên phổ biến. Khi công ty bắt đầu mở rộng sang phân khúc các sản phẩm cao cấp, Zhong dành tận 3 năm làm việc với 5 nhà thiết kế để tạo ra một loạt các chai thủy tinh đựng nước suối khai thác từ nhiều khu rừng nguyên sinh. Cuối năm đó, những chiếc chai này đã xuất hiện trong các bữa ăn của lãnh đạo cấp cao.
Dưới sự dẫn dắt của Zhong, Nongfu còn giới thiệu một số các sản phẩm mà ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể dùng. Công ty cũng lấn sân sang một số các loại đồ uống khác, chẳng hạn như trà phương Đông, nước tăng lực và nước trái cây được sản xuất từ chính vườn ăn trái của mình.
Trong một chiến dịch toàn quốc, Nongfu khẳng định nước khai thác trực tiếp từ rừng sẽ tốt hơn lọc trong nhà máy. Hơn 60 công ty đối thủ, dẫn đầu là Tập đoàn Wahaha Hàng Châu, đã kháng cáo lên các cơ quan quản lý Trung Quốc vào thời điểm đó, cáo buộc Nongfu phỉ báng và quảng cáo sai sự thật. Zhong sau đó bị phạt 200.000 nhân dân tệ song lại thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng trung thành - những người tin yêu nước suối đóng chai Nongfu.
Zhong tự xây dựng hình ảnh của mình như một nhà điều hành khiêm tốn chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Trên các phương tiện truyền thông, ông thường được gọi với cái tên “con sói đơn độc” vì chỉ đưa ra quyết định một mình, lại hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Những người đã gặp Zhong cũng mô tả ông là người khá trầm tính.
“Bề ngoài ông ấy rất bình thường. Không ai nghĩ ông ấy giàu đến thế”, Xiaoyi Gu, giám đốc dự án Atelier Bruckner nói.
Không phô trương sự giàu có, Zhong thoát khỏi tầm mắt của giới chức đại lục. Ông cũng tránh xa lĩnh vực bất động sản - phân khúc vốn mang lại rất nhiều lợi nhuận cho bạn bè ông.
“Bong bóng này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc phải chịu gánh nặng đáng kể trong tương lai”, ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2015 và cho biết mình rất ngưỡng mộ người sáng lập Apple Steve Jobs và Giám đốc điều hành Huawei Technologies bởi họ tập trung phát triển các sản phẩm tiêu dùng và chuỗi cung ứng cao cấp thay vì nền tảng truyền thông xã hội hoặc thương mại điện tử.
Nongfu không cởi mở chia sẻ về hoạt động khai thác nước. Trong một tuyên bố hiếm hoi, đại diện công ty khẳng định các nhóm lợi ích ở vùng núi Wuyi đã bịa tin giả về hoạt động ‘phá rừng’ của Nongfu Spring thông qua các bức ảnh dàn dựng.
Sự xuất hiện của Nongfu đã chia cắt ngôi làng của Qiang - một người dân bản địa. Ông và nhiều người khác đã lên tiếng phản đối Nongfu, thậm chí đăng tải các hình ảnh khai thác rừng của công ty lên blog Weibo để kêu gọi sự chú ý của chính quyền. Nongfu sau đó đổ lỗi cho nhà thầu xây dựng của mình, đâm đơn kiện Qiang song cuối cùng rút bỏ.
Trong năm 2020, Nongfu bị kiện với cáo buộc sử dụng trái phép đất của dân để phục vụ mục đích kinh doanh. Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc đã cáo buộc Nongfu không đạt được đủ giấy phép xây dựng.
Bất chấp tất cả, Nongfu cuối cùng vẫn đạt thỏa thuận với một số dân làng. Ji Xihua, chủ một nhà hàng cho biết sự hiện diện của công ty đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ông. Một số người cho rằng Nongfu làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử, song Ji không nghĩ vậy: “Đó là một thảm họa tự nhiên. Bạn có thể làm gì chứ?”.
Nongfu cho biết họ sản xuất 1 triệu tấn nước đóng chai mỗi năm từ con lạch gần khu vực Qiang sinh sống. Tác động với môi trường là khá đáng kể. Thậm chí, một lượng lớn nước trong quá trình đóng chai còn bị thất thoát do rò rỉ đường ống.
Wang Shan, chủ một cửa hàng tiện lợi cách nhà máy của Nongfu một dãy nhà, cho biết cô lo lắng về sự an toàn của các con mình vì có quá nhiều xe tải chạy qua mỗi ngày.
“Họ đang lấy đi quá nhiều nước của chúng tôi”, cô nói.
Bất chấp những đợt hạn hán đáng báo động, Nongfu vẫn đang nỗ lực mở rộng hồ Wanlv - nguồn cung cấp đồ uống đóng chai lớn thứ hai của công ty vào năm 2019. Một cơ sở rộng bằng 50 sân bóng đá đã được xây dựng.
Hong Yanhua, một ngư dân 30 tuổi lớn lên bên hồ Wanlv, tự hỏi tác động sẽ ra sao đối với ngôi làng của mình. Anh lo ngại mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu một năm khô hạn nữa lại đến.
“Sự phát triển này thật sự rất khó chịu”, anh nói. “Có quá nhiều công ty nước đóng chai”.
Đáp lại, Nongfu thực hiện các dự án bảo tồn đất và nước, cam kết cắt giảm 20% mức phát thải carbon vào năm 2030 và dự kiến chuyển sang sử dụng bao bì 100% tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy vào năm 2025. Công ty cũng tài trợ cho một số dự án bảo tồn và các chương trình giáo dục.
Tuy nhiên, khi hạn hán trở nên nghiêm trọng, mọi thiện chí đều là vô nghĩa. Jiang Weigao, 30 tuổi, người điều hành một nhà hàng cá ở làng Hong, cho biết: “Công ty này đến đây và kiếm lợi nhuận. Chúng tôi chả được bất kỳ lợi lộc nào. Nếu tôi muốn uống một chai nước Nongfu Spring, tôi phải tự bỏ tiền túi ra”.
Mô hình kinh doanh của Nongfu đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm bởi sự thành công đồng nghĩa với việc mạo hiểm tiến sâu hơn vào những địa hình hoang sơ. Tuy nhiên, khi ông Zhong tiếp cận thị trấn Jingyu phía bắc Trung Quốc để thiết lập nguồn nước đầu tiên bên ngoài Chiết Giang vào năm 1999, tia sáng hy vọng hé mở. Công ty xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên giúp vận chuyển hàng nghìn chai nước, đồng thời thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ suối sau khi di dời 41 gia đình trong làng.
Đối với nguồn nước tiếp theo của mình, Zhong nhắm mục tiêu vào một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới: Tây Tạng. Nongfu hiện đang làm việc để đóng chai nước băng tan chảy từ sông Nyang.
Tháng 6 năm ngoái, Zhong đến thăm Linzhi - một thành phố 240.000 dân nằm bên bờ sông. Ao Liuquan, lãnh đạo Linzhi, đã cam kết đảm bảo quyền sử dụng đất cho Nongfu để xây dựng cơ sở khai thác đóng chai 500.000 tấn nước mỗi năm. Đáp lại, Zhong khẳng định sẽ nỗ lực mang lại “sự phát triển kinh tế -xã hội” cho thành phố và quan trọng, là “đôi bên phải cùng có lợi”.