Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào?

07/12/2019 12:00:33

Tỷ phú Tadashi Yanai, người giàu nhất Nhật Bản từng tuyên bố sẽ cố gắng đưa Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm khoảng 25 tỷ USD.

Ngày 6/12, Uniqlo Đồng Khởi chính thức mở cửa chào đón người tiêu dùng Việt Nam. Chỉ trong một buổi sáng ước tính đã có tới hơn 3.000 người đứng xếp hàng để chờ mua những sản phẩm đầu tiên của Uniqlo.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào?
Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo ở Việt Nam trong ngày khai trương.

Uniqlo là một thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu, thuộc sở hữu của tập đoàn Fast Retailing. Tỷ phú Tadashi Yanai - nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing cũng vô cùng nổi tiếng khi là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản 29,6 tỷ USD (thời điểm ngày 6/12). Theo xếp hạng của Forbes, Yanai là tỷ phú giàu thứ 27 trên thế giới. Còn tại châu Á, ông đứng sau ông chủ Tencent - tỷ phú Trung Quốc Ma Huateng.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 1
Tỷ phú Tadashi Yanai - nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing

Tadashi Yanai sinh ra trong một gia đình làm nghề may ở Hiroshima (Nhật Bản). Do đó, ngay từ nhỏ, ông đã tiếp xúc nhiều với vải vóc, kim chỉ và thời trang. Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị năm 23 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong tiệm may y phục của cha. Đến năm 1984, ông thừa kế công việc kinh doanh gia đình và thành lập Công ty Unique Clothing Warehouse, sau này được viết tắt là Uniqlo.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 2
Một trong những cửa hiệu thời trang Uniqlo đầu tiên ở Nhật Bản.

Cửa hàng Uniqlo đầu tiên xuất hiện tại Hiroshima. Tuy nhiên, chiến lược sai lầm của Yanai khi mở 3 cửa hàng ở ngoại ô Tokyo đã khiến người tiêu dùng cho rằng Uniqlo là thương hiệu nhà quê. Ba cửa hàng vừa khai trương buộc phải ngừng hoạt động và màn chào sân của thương hiệu này bị đánh giá thất bại. Đến năm 1995, cửa hiệu 3 tầng sang trọng tại Harajuku - một trong những con phố sầm uất nhất tại trung tâm thủ đô Tokyo mới tạo dấu ấn cho Uniqlo trên thị trường.

Chia sẻ với Channel News Asia, vị chủ tịch Fast Retailing nói: “Tôi rất hiểu thế nào là thất bại. Khi mở rộng chi nhánh ra nước ngoài, chúng tôi thất bại tại Anh, rồi sau đó lại thua tại Trung Quốc và Mỹ”. Thực tế, đầu những năm 2000, Uniqlo từng cố gắng chiếm lĩnh thị trường Anh khi mở 21 cửa hàng trong vòng 2 năm. Nhưng chính sự mở rộng quá nhanh mà không thể quản lý tốt đã buộc hãng này đóng cửa 16 cửa hàng sau đó.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 3
Cửa hàng Uniqlo ở Anh

Đến nay, với tinh thần cạnh tranh không ngừng và chiến lược kinh doanh hiệu quả của ông Tadashi Yanai, Fast Retailing cùng thương hiệu chủ lực Uniqlo liên tục mở rộng ra nhiều thị trường mới, trở thành đế chế thời trang lớn thứ 3 thế giới với doanh thu gần 20 tỷ USD trong năm tài chính 2019. Bên cạnh hơn 2.200 cửa hàng tại 24 thị trường của Uniqlo, Fast Retailing cũng quản lý nhiều thương hiệu khác gồm GU, Theory, Helmut Lang, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam và J Brand.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 4
Tỷ phú Yanai từng tuyên bố sẽ cố gắng đưa Fast Retailing trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020

Ngày 9/10/2019, UNIQLO công bố lợi nhuận đạt 2,4 tỉ USD, doanh thu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả kinh doanh này đã đẩy giá cổ phiếu công ty lên 2,6% trong ngày và 8% nữa trong 7 ngày sau đó. Khi ấy, khối tài sản của tỷ phú Yanai tăng thêm 2,8 tỷ USD lên 31,6 tỷ USD, chỉ trong một tuần.

Sản phẩm của Uniqlo phổ biến tới mức cứ 4 người Nhật thì có ít nhất một người sử dụng sản phẩm thời trang của hãng. Vị tỷ phú này từng tuyên bố sẽ cố gắng đưa Fast Retailing trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm khoảng 25 tỷ USD.

Việt Nam là nước thứ 6 ở Đông Nam Á có cửa hàng Uniqlo sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Tuy nhiên, vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản rất tự tin về thị trường Đông Nam Á: “Thời đại sắp đến, những năm tháng sắp đến đây là thời đại của khu vực Đông Nam Á. Và một ngày nào đó, có thể TP.HCM, Jakarata, Singapore, Manila, Bangkok sẽ trở thành những trung tâm thương mại, những trung tâm về văn hóa, nghệ thuật sánh ngang vai Paris, London, New York, Tokyo”.

Năm 2009, Học viện quản lý Sanno chọn Tadashi Yanai là Chủ tịch công ty giỏi nhất. Ông cũng được trao giải thưởng Nhà bán lẻ quốc tế của năm 2010 từ Liên đoàn bán lẻ quốc gia tại Mỹ. Đến năm 2012, vị doanh nhân này lại có tên trong danh sách 50 người có ảnh hưởng nhất của Bloomberg.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 5
Biệt thự rộng 16.586 m2 ở khu rừng ngoại ô Tokyo của gia đình tỷ phú

Hiện ông và gia đình sống trong một biệt thự rộng 16.586 m2 ở khu rừng ngoại ô Tokyo, do ông mua đấu giá 78 triệu USD năm 2001. Theo Business Insider, căn biệt thự này có sân golf, phòng trà và nhà ở cho nhân viên bảo vệ, được định giá khoảng 50 triệu USD năm 2017. Ngoài ra, ông chủ Uniqlo cũng sở hữu một căn nhà 74 triệu USD khác ở Shibuya - khu phố đắt đỏ bậc nhất Nhật Bản và là nơi ở của nhiều lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản gây dựng đế chế thời trang Uniqlo như thế nào? - 6
Vị tỷ phú cũng sở hữu một bất động sản khác ở Shibuya - khu phố đắt đỏ bậc nhất Nhật Bản

Vị tỷ phú này cũng là một golf thủ chuyên nghiệp. Mỗi mùa hè, ông dành 3 tuần chơi golf ở Hawaii, nơi ông sở hữu 2 sân golf có tổng giá trị 74,1 triệu USD.

Năm 2017, tỷ phú Yanai từng chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng ông sẽ nghỉ hưu và thôi giữ chức giám đốc điều hành của Fast Retailing khi bước sang tuổi 70. Tính đến tháng 2 năm nay, ông Yanai đã bước sang tuổi 70 nhưng chưa có thông báo chính thức nào về việc ông sẽ rời khỏi vai trò điều hành tập đoàn và người thay thế ông là ai.

Theo Hiếu Nguyễn (Nguoiduatin.vn)