Masayoshi Son là sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SoftBank với khối tài sản hơn 23 tỷ USD. Ông nổi tiếng với nhiều thương vụ đầu tư thành công vào các startup lớn như Uber, Grab, Didi... Trong đó phải kể đến thương vụ đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba năm 2000, biến hãng trở thành trang thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới. Lượng cổ phần của SoftBank tại Alibaba hiện có giá trị khoảng 138 tỷ USD và được đánh giá là thương vụ đầu tư mạo hiểm béo bở nhất mọi thời đại.
Những thương vụ đầu tư khiến cả thế giới ngã ngửa
Sinh ra và lớn lên ở hòn đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản, lúc còn bé Masayoshi Son luôn bị bắt nạt do gốc gác Hàn Quốc. Để bù đắp lại những gì Son chịu đựng, cha của ông thường động viên và ca ngợi ông như một thiên tài. Son từ đứa trẻ tự ti trở nên tự tin và quyết tâm thay đổi cuộc đời.
Năm 16 tuổi, Son rời Nhật Bản đến Mỹ du học. Ông bắt đầu con đường kinh doanh khi đang là sinh viên khoa Kinh tế tại Đại học Califonia. Không có vốn, không biết gì về công nghệ nhưng Son đã tập hợp được một nhóm chuyên gia phát minh ra máy dịch thuật (an electronic translator) và bán lại với giá 1 triệu USD.
Tốt nghiệp năm 1981, Son trở về Nhật Bản thành lập công ty chuyên kinh doanh phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn hai nhân viên trong căn hộ chật chội ở Tokyo. Công việc kinh doanh thuận lợi, ông bắt đầu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông và tạo ra được nhiều kỳ tích. Công ty kinh doanh phần mềm của ông cũng đổi tên thành SoftBank.
Năm 2006, Masayoshi Son mua lại bộ phận viễn thông di động Vodafone (Anh) tại Nhật Bản và đặt kế hoạch vượt mặt gã khổng lồ viễn thông DoCoMo của Nhật trong vòng 10 năm.
"Lúc đó tất cả mọi người đều chế nhạo tôi vì kế hoạch hoang tưởng này", Son nhớ lại.
Năm 2007, Masayoshi Son chủ động bay đến Mỹ gặp Steven Jobs với bản vẽ một chiếc điện thoại trên tay. Ông đã thuyết phục được cựu CEO của Apple hợp tác để SoftBank phân phối iPhone độc quyền tại Nhật Bản. Nhờ đó, SoftBank đã tăng được số lượng thuê bao Vodafone lên gấp đôi và bám sát đối thủ lớn nhất là DoCoMo.
Năm 2012, Son lại có một quyết định vô cùng táo bạo khi thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 20 tỷ USD. Thương vụ này giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon, đồng thời giúp ông hoàn thành kế hoạch vượt mặt đối thủ DoCoMo sớm tới 4 năm.
Masayoshi Son tiếp tục đầu tư 105 triệu USD vào Yahoo khi công ty này mới hình thành.
"Ai cũng nghĩ ông ấy điên, vì chỉ có kẻ điên mới bỏ ra hơn 100 triệu USD cho một công ty còn trong trứng nước", đồng sáng lập của Yahoo, David Yang, nói trong ngỡ ngàng.
Ai cũng có sai lầm
Vào những năm 2000 khi công nghệ bùng nổ, Masayoshi Son đã bỏ ra hàng chục tỷ USD hỗ trợ hơn 800 start-up với mong muốn tạo ra "một kỷ nguyên kỹ thuật số" đa ngành tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các startup này đều thất bại. Tài sản của Masayoshi Son bốc hơi đến hơn 70 tỷ USD.
Masayoshi Son từng bị giới truyền thông Nhật Bản gọi là "tỷ phú đen đủi nhất thế giới". Ông trải qua quãng thời gian đầy u ám khi giá trị vốn hóa của Softbank từ 180 tỷ USD giảm xuống còn 2,5 tỷ USD do thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD của tập đoàn vào công ty khác như Alibaba, Nippon cũng xuống giá vài chục triệu USD.
Masayoshi Son hồi tưởng: "Trong kinh doanh rủi ro là điều thường gặp, tuy nhiên không một nhà đầu tư nào tưởng tượng ra viễn cảnh khi tỉnh dậy sau một đêm và mất đi 70 tỷ USD. Đó là con số không tưởng và tôi không thể thốt nên lời nào nữa".
Hồi sinh sau trắng tay
Sau nhiều thất bại liên tiếp, Masayoshi Son không gục ngã, tiếp tục các thương vụ đầu tư mới. Đánh dấu bằng sự kiện Alibaba IPO tháng 9/2014 và trở thành thương vụ lớn nhất thế giới khi huy động được 25 tỷ USD. Nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba, SoftBank lãi khoảng 4,6 tỷ USD.
Masayoshi Son cũng khôi phục lại hình ảnh của mình trong mắt nhiều nhà đầu tư và được ca ngợi là "nhà đầu tư uyên bác nhất thế giới". Softbank bắt đầu phục hồi và trở thành công ty truyền thông, Internet lớn thứ 3 Nhật Bản. Ông được báo chí trong nước và quốc tế gọi là "Bill Gates của Nhật Bản".
Masayoshi Son chia sẻ: "Tôi không nhìn thấy được tương lai nhưng có một điều khiến tôi nhất định phải rót vốn vào Alibaba đó là Jack Ma. Ông ấy không biết gì về công nghệ, không có kiến thức tài chính nhưng lại có ánh mắt rất kiên quyết. Tôi đầu tư vào Alibaba bởi tôi tin tưởng vào con người này".
Năm 2016, phó thái tử Ả-rập Xê-út khi đó là Mohammed bin Salman sang Tokyo để đầu tư vào các startup với mục đích đa dạng hóa nền kinh tế và thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu. Trong cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút, Masayoshi Son đã thuyết phục được ông bỏ ra 45 tỷ USD để đầu tư vào quỹ Tầm nhìn (Version Fund) của SoftBank.
"45 phút tôi đã đem về 45 tỷ USD. Vậy là 1 tỷ cho mỗi phút", Masayoshi Son cho biết.
Năm 2017, Masayoshi Son đã thực hiện 100 khoản đầu tư với tổng giá trị lên tới 36 tỷ USD vào các startup công nghệ trên toàn cầu ở các lĩnh vực như đặt xe, chế tạo chip điện tử, chia sẻ văn phòng, xây vệ tinh nhân tạo, sản xuất robot. Ông đã giúp SoftBank thâu tóm một lượng lớn cổ phần ở hàng chục start-up nổi tiếng trên thế giới, gồm 2 start-up có giá trị nhất là Uber và Didi.
Sau nhiều thăng trầm, hiện Masayoshi Son là người giàu nhất Nhật Bản từ năm 2014. Ông cũng nằm trong danh sách những nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới và xếp hạng 39 trong bản đồ tỷ phú thế giới.
Theo Sơn Nam (Ngoisao.net)