Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi VND ngắn hạn của Agribank tăng lên 3%

01/06/2018 10:30:46

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 12 tháng của ngân hàng này đã tăng 2% so với trước đó và áp dụng từ tháng 6.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng với Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từ mức 1% hiện nay lên mức 3%, áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 6.

Như vậy, mức này đã ngang bằng với mức đang áp dụng cho các ngân hàng thương mại khác. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ của Agribank cũng tăng từ 6% lên 7%. 

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi VND ngắn hạn của Agribank tăng lên 3%
Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi VND ngắn hạn đối với Agribank. Ảnh: PV.

Hiện nay, theo quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng của các ngân hàng thương mại là 3% (trên tổng vốn huy động) và 1% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ là 8%. 

Dù là phạm vi hẹp nhưng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu ở mức thấp sẽ có tác dụng ít nhiều trong việc giúp ngân hàng hạ giá thành huy động vốn, dẫn đến giảm lãi suất cho vay. Đây đồng thời là một giải pháp mang tính chất “nới lỏng” tiền tệ ở mức độ nhất định có sự kiểm soát của cơ quan quản lý vì Thống đốc xem xét quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho từng trường hợp cụ thể. 

Trao đổi về việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngân hàng mình, lãnh đạo Agribank cho biết việc điều chỉnh này không ảnh hưởng gì đến nhà băng do trước giờ Agribank thừa thanh khoản. Vì vậy, việc áp dụng cơ chế hỗ trợ bằng cách áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp với Agribank không còn cần thiết.

Vị này cũng cho rằng, thời gian qua, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng tại Agribank luôn ở mức 3-5% dù theo quy định chỉ 1%. Số tiền này ngân hàng không được trả lãi. Nay với việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Agribank có lợi hơn vì sẽ được nhà quản lý trả lãi trên số tiền gửi bắt buộc.

Theo Thanh Lê (VnExpress.net)

Nổi bật