Sáng 28/12, ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước đẩy lên 22.825 đồng mỗi USD, tăng 20 đồng so với hôm qua. Đây được xem là bước tăng theo ngày khá mạnh. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 400 đồng, tương đương mức tăng khoảng 1,8%.
Trong khi tỷ giá trung tâm liên tục tăng cao thì giá mua bán tại các nhà băng lại được điều chỉnh giảm mạnh những ngày qua. Cụ thể, giá tại Vietcombank sáng nay công bố quanh 23.145 - 23.235 đồng, giảm 25 đồng so với hôm qua. Còn nếu so với đầu tháng, mỗi USD tại ngân hàng này đã giảm 120 đồng.
Tại VietinBank, mỗi USD sáng nay được mua bán thấp hơn Vietcombank 5 đồng, dao động ở mức 23.140 - 23.230 đồng, giảm 21 đồng so với ngày 27/12. Các ngân hàng khác cũng có mức giảm hàng chục đồng mỗi USD trong sáng nay.
Nhìn nhận diễn biến này, các chuyên gia cho rằng, ở góc độ quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tăng để phù hợp với diễn biến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vừa rồi.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá được điều chỉnh phù hợp cung cầu trên thị trường và trạng thái ngoại tệ của từng nhà băng. Một khi các ngân hàng dư thừa nguồn ngoại tệ thì họ phải hạ giá xuống là điều bình thường.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Phạm Hồng Hải cho rằng, trong năm qua, đồng USD trở nên mạnh hơn và các đồng tiền chủ chốt khác đã yếu đi so với đồng bạc xanh và VND không phải ngoại lệ.
Điểm khác biệt cơ bản đối với tiền đồng là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, như đồng won của Hàn Quốc giảm 5,07%, đồng peso của Philippines giảm 4,99%, rupiah của Indonesia giảm 6,62% và rupee của Ấn Độ giảm 9,58% hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43% thì VND chỉ giảm 2,7% (tỷ giá thị trường) và 1,48% (tỷ giá trung ương).
"Điều này có nghĩa là đồng Việt Nam thực tế đã tăng giá so với một số đồng tiền khác, ví dụ tăng 4% do với nhân dân tệ hay 3% so với euro", ông phân tích.
Cũng theo ông Hải, mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý III/2018, tiền VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt và mức lạm phát hợp lý (3,6% cho tới tháng 10). Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD trong mười tháng đầu năm. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng nhận nguồn vốn đầu tư thuần đạt 1,9 tỷ USD tính tới tháng 10 năm nay.
Với tính chất mùa vụ vào cuối năm, khi cầu với đôla Mỹ để thanh toán thường tăng, ông Hải cho rằng có khả năng xu hướng giảm giá của VND sẽ tiếp tục thời gian tới. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Do đó, khó có khả năng sẽ có những biến động lớn về tiền đồng cho tới cuối năm.
Ngoài ra, theo ông Hải, do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng hai lần nữa trong năm 2019, đồng USD vì thế sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019. Vì vậy, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng giảm và dự kiến tiền đồng sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019 trừ trường hợp đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Với thị trường vàng, giá mua bán cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Theo đó, mở cửa ngày, Tập đoàn DOJI tăng 50.000 đồng mỗi lượng vàng miếng cả chiều mua và bán ra so với hôm qua, đưa niêm yết lên 36,38 - 36,48 triệu đồng một lượng. Các doanh nghiệp vàng khác cũng điều chỉnh giá mua bán vài chục nghìn đồng.
Theo nhận định của Tập đoàn DOJI, giá vàng trong nước dao động trong biên độ hẹp và hướng sự theo dõi tới diễn biến của thế giới. Do đó, trong phiên hôm qua, thị trường ghi nhận không khí giao dịch khá trầm lắng với lượng khách tham gia theo nhu cầu mua bán nhỏ lẻ. Khép lại phiên giao dịch, số lượng khách bán vàng ra chiếm 60% trên tổng số lượng giao dịch tại DOJI.
Theo Lệ Chi (VnExpress.net)