Tỷ giá trung tâm tăng thêm 11 đồng

05/01/2016 10:01:47

Tỷ giá trung tâm ngày 5/1/2016 tiếp tục tăng thêm 11 đồng, sau khi đã tăng 6 đồng ngày giao dịch trước đó. Theo đó, tỷ giá trung tâm là 21.907 đồng/USD, tăng 17 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước khi điều hành theo cơ chế mới là 21.890 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm ngày 5/1/2016 tiếp tục tăng thêm 11 đồng, sau khi đã tăng 6 đồng ngày giao dịch trước đó. Theo đó, tỷ giá trung tâm là 21.907 đồng/USD, tăng 17 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước khi điều hành theo cơ chế mới là 21.890 đồng/USD.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tỷ giá trung tâm ngày 5/1 là 21.907 đồng/USD, tăng thêm 11 đồng so với ngày giao dịch 4/1 là 21.896 đồng/USD. Như vậy, ngày thứ 2 sau khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng 17 đồng, tính từ mốc 21.890 đồng/USD.

Chiều qua, ngày 4/1, NHNN đã có cuộc họp báo để công bố minh bạch cách tính tỷ giá trung tâm cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cách tính tỷ giá trung tâm được thực hiện dựa trên 3 trụ cột là: Cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô.


 
“Với cách tính như vậy vừa phản ánh biến động trong nước và quốc tế, vì thế thời gian tới có những hôm tỷ giá trong nước tăng cao nhưng nếu giá quốc tế theo xu hướng giảm thì tỷ giá trung tâm hôm đó có thể sẽ giảm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho biết, có 8 đồng tiền thế giới được đưa tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm là: USD, EUR, NDT, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), đô la Đài Loan, Bath (Thái Lan).

“Đây là những đồng tiền có tỷ trọng đầu tư lớn nhất đối với Việt Nam. Là 8 đồng tiền chứ không phải nhiều hơn vì các đồng tiền khác của các nước còn lại tác động không nhiều nếu tính tỷ giá”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bình luận về chính sách tỷ giá mới, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho rằng đây là bước đi cần thiết và qua ntrong đối với thị trường cũng như quá trình hội nhập của Việt Nam.

“Với cơ chế điều hành lần này sẽ giúp thị trường và tỷ giá có điều kiện được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ về quan hệ thương mại đầu tư, vay và trả nợ tại Việt Nam lớn. Đồng thời, cơ chế tỷ giá mới này sẽ phản ánh được định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vì vậy, cơ chế tỷ giá có thể nói linh hoạt theo thị trường quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh”, ông Thọ bình luận.

Ông Thọ cũng cho rằng cơ chế này sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp, TCTD và người dân. Nó giúp cho các doanh nghiệp và các TCTD chủ động nhiều hơn so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ.

“Cơ chế này sẽ khuyến khích các thành viên của chúng ta sẽ có điều kiện để áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường hàng hóa”, ông Thọ bình luận.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cũng cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể thời gian đầu thị trường còn hơi bỡ ngỡ, cân nhắc về cách thức, nhưng một vài ngày tới cung cầu tỷ giá thể hiện một sự ổn định. Điều quan trọng các NHTM và NHNN đã có sự chuẩn bị trước rồi.

“Do vậy, chúng tôi có biện pháp điều hành sát với thị trường và chúng tôi đánh giá rất cao sự thay đổi của NHNN. Sự thay đổi rất căn bản vì ngoài sự theo sát diễn biến thị trường ngân hàng còn bám sát diễn biến vĩ mô, giao dịch thị trường và diễn biến các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt là phiên đóng cửa gần nhất”, bà Phượng bình luận.

Theo bà Phượng, ngày 4/1, khi chính thức áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, giao dịch có biến động, nhiều hơn một chút nhưng đến thời điểm này thì trở lại bình thường.

“Thực ra số lượng giao dịch thì có thay đổi nhưng quy mô giao dịch thì không lớn lắm, tùy thuộc vào từng giao dịch của doanh nghiệp. Có những giao dịch mang tính đặc thù thì có thể giao dịch số lớn, nhưng số lượng giao dịch thì không có đột biến”, bà Phượng cho biết.

Theo bà Phượng, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ giúp thị trường và các doanh nghiệp quen dần hơn với các sản phẩm phái sinh đặc biệt bản thân doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc giao dịch thương mại và chiến lược của từng doanh nghiệp.

Theo Trần Giang (Bizlive.vn)

Nổi bật