Mức giá này rất thấp so với lịch sử của cổ phiếu “lão làng” trên thị trường chứng khoán này và cũng chỉ tương đương với thời kỳ dịch COVID-19. Đợt giảm mạnh gần đây của ITA diễn ra sau khi lùm xùm về nợ nần và kiện tụng mà ITA vướng phải bị bung ra.
Sau đó, doanh nghiệp này đã bị rà soát thuế, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 9.2022 và tiếp đó bị đưa vào danh sách các mã bị cắt margin.
Trong 1 năm qua, thị giá ITA giảm gần 72%, ITA trở thành một trong số ít cổ phiếu có mức giảm giá mạnh nhất trong nhóm BĐS và cả trên sàn chứng khoán.
Một doanh nghiệp trong ngành khác là Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng chứng kiến thị giá cổ phiếu “bốc hơi” 79,6% trong vòng 1 năm qua. Mã này bắt đầu giảm mạnh từ quý IV/2022.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, cả quý này Phát Đạt chỉ ghi nhận doanh thu hơn 14 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 1.228 tỉ đồng). Lĩnh vực chính không phát sinh doanh thu khiến PDR lỗ 229 tỉ đồng trong kỳ (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 751 tỉ đồng). Lũy kế năm 2022, doanh thu của PDR đạt hơn 1.500 tỉ đồng, giảm 58%; lợi nhuận sau thuế 1.169 tỉ đồng, giảm 37%.
Một số mã cổ phiếu BĐS khác cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh như DIG (giảm 72%), FLC (giảm 68%), NVL (giảm 82%), GEX (giảm 60%), HPX (giảm 86%), THD (giảm 85%), VC2 (giảm 85%)…
Lĩnh vực ngách là BĐS khu công nghiệp được coi là điểm sáng của ngành cũng chứng kiến các cổ phiếu giảm hơn 36% trong vòng 1 năm qua.
Tính chung cả ngành, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, cổ phiếu ngành giảm mạnh nhất năm 2022 trên sàn này là BĐS (giảm 14,3%) nhờ được một số doanh nghiệp BĐS lớn và một số mã “hạt tiêu” vốn hoá nhỏ nhưng có mức tăng đột biến “cân” lại.
Mức giảm của nhóm ngành BĐS gấp đôi nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu (giảm 6,09%); và gấp 7 lần nhóm công nghiệp (giảm 2,13%).
Công ty chứng khoán SBSC nhận định, năm 2023 thị trường nhà đất sẽ còn nhiều thách thức và cần một khoảng thời gian để có thể ổn định trở lại.
Các doanh nghiệp sẽ phải tìm nguồn vốn huy động mới vừa đầu tư kinh doanh vừa thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Còn theo VNDirect, ngành BĐS vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều chủ đầu tư khó khăn trong tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng và giám sát chặt chẽ trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh lãi suất tăng mạnh đã làm suy yếu nhu cầu mua của khách hàng, nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật Đất đai sửa đổi. VNDirect không lạc quan về sự phục hồi của BĐS nhà ở trong ngắn hạn, mất khả năng thanh toán của chủ đầu tư vẫn là mối lo lớn nhất.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây cho biết, đầu năm 2023 thị trường BĐS sẽ không sôi động như những năm trước nên khả năng không có đột biến về cầu.
Việc tăng tín dụng nói chung thêm 1,5 - 2% sẽ bổ sung thêm dòng tiền đáng kể cho thị trường năm 2023. Bộ Xây dựng mới đây cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành trần tín dụng phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo Cao Sơn (Lao Động)