“Thành phố không nên có quy định cứng nhắc”
Để đảm bảo trật tự an ninh và tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra một số cam kết gây tranh cãi trong dư luận.
Đặc biệt là yêu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, các cây xăng phải phục vụ đến tận đêm 30 và mở cửa trở lại ngay trong mùng 1. Còn các trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ bán hàng muộn trong đêm Giao thừa và mở cửa sớm vào sáng mùng 1.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Quyết định hành chính này là quyết định gây tranh cãi vì doanh nghiệp họ mở cửa hay không phụ thuộc vào việc họ có bán được hàng hay không.
Nếu họ không bán được hàng thì họ mở cửa làm gì”.
Theo ông Doanh: Thành phố không nên có quy định cứng nhắc cho tất cả các cửa hàng.
Vì một số mặt hàng như gà, giò chả, thực phẩm phục vụ Tết thì có thể bán chạy và sẽ mở cửa xuyên đêm trong ngày cuối năm nhưng các mặt hàng khác như đồ điện máy… hoàn toàn ngược lại.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việc siêu thị, trung tâm thương mại có nên mở cửa vào đêm Giao thừa hay không cần bàn bạc trước khi đưa ra quyết định (Ảnh: Big C) |
“Theo phong tục của người Việt Nam ít ai đi mua vào sáng mùng 1 Tết mà chủ yếu đi thăm hỏi nhau là chính. Quyết định này có thể là một ý định tốt của ông Chủ tịch mới với mong muốn có sự phục vụ tận tình với người dân.
Nhưng theo tôi, điều này không nhất thiết phải thực hiện như thế và nên có thảo luận với doanh nghiệp, chứ không nên quy định một cách cứng nhắc” – ông Doanh lưu ý.
Hơn nữa, chuyên gia kinh tế này cho biết: Theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp phải thảo luận với doanh nghiệp.
Vì vậy, “tôi đề nghị quyết định này nên thảo luận với doanh nghiệp và đưa ra với Phòng thương mại công nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp ở Hà Nội để đóng góp ý kiến, sau đó mới có quyết định sau” – ông Doanh nhấn mạnh.
Về phía các siêu thị, ông Lê Quang V., Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội (xin được giấu tên –pv) nêu quan điểm:
Các siêu thị điện máy nhu cầu dịp Tết có phát sinh nhưng không cao và tăng đột biến như các siêu thị hàng tiêu dùng nhanh, vì vậy, quy định trên là không hợp lý.
“Ở siêu thị chúng tôi, lượng nhân viên không nhiều, ngày lễ tết quan tâm trên hết về tinh thần hơn là vật chất, họ muốn dành thời gian sắp xếp về thăm gia đình nên ban Giám đốc luôn tạo điều kiện” – ông V. nói.
Theo ông V.: “Nếu một trung tâm thương mại lớn như Vincom, Mega Mall thì Thành phố có thể yêu cầu bắt buộc mở cửa xuyên Tết để tạo một nơi chốn để bà con tụ tập vui chơi, giải trí, trải nghiệm mua sắm, tham quan thay vì cờ bạc.
Vì các trung tâm lớn với khối lượng nhân viên nhiều có thể đáp ứng được, còn các siêu thị nhỏ lẻ với nguồn lực nhân viên ít, lại là đơn vị kinh doanh độc lập thì tôi nghĩ là không nên ép buộc”.
Theo ghi nhận của PV, rất ít các siêu thị tại địa bàn Hà Nội mở cửa xuyên đêm Giao thừa.
Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng của chuỗi siêu thị BigC cho biết: Tại BigC, trong 2 ngày 27 và 28 Tết, siêu thị sẽ mở cửa đến 12 giờ đêm.
Ngày 29 Tết, siêu thị đóng cửa lúc 12 giờ trưa. Sáng mùng 3 Tết tất cả các siêu thị Big C trên toàn quốc sẽ mở cửa phục vụ khách hàng như thường lệ.
Còn bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc CTCP Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Aeon – Fivimart thông báo: Chỉ có Fivimart Long Biên sẽ không đóng cửa, phục vụ cả ngày mùng 1 và đêm 29 Tết.
Còn các điểm khác dự kiến mở cửa cho tới 14h chiều 29 Tết hoặc cho tới khi hết khách. Sau Tết, một nửa hệ thống sẽ mở cửa vào ngày mùng 3 Tết và nửa còn lại sẽ đón khách bình thường vào ngày mùng 5 Tết.
Siêu thị mở cửa đêm 30: Kêu gọi chứ không nên áp đặt
Bàn luận xung quanh yêu cầu này, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM) – người đã từng "ngồi" ở vị trí thẩm phán nhiều năm năm tại Tp Hồ Chí Minh cho biết:
Việc UBND Hà Nội yêu cầu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu hết ngày 30 và cả ngày mùng 1 Tết Nguyên đán là một nỗ lực của phía chính quyền mang tính kêu gọi chứ không thể áp đặt.
Vì điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của người lao động. Doanh nghiệp mới chính là người quyết định việc kinh doanh của họ chứ không thể bằng một mệnh lệnh hành chính.
Đồng thời người lao động là những nhân viên bán hàng vẫn phải được nghỉ ngơi để vui Xuân, đón Tết cùng thân nhân, gia đình, trừ những người làm công việc mang tính thời vụ.
Luật sư Phạm Công Út. |
Do đó, việc "yêu cầu" này chỉ có thể thực hiện đối với những tổ chức kinh tế và người lao động đã có sự hiệp thương, thống nhất với phía chính quyền.
Thêm vào đó, doanh nghiệp tự quyết định sự sống còn của mình, mà doanh nghiệp là tế bào của thị trường, họ sẽ cân nhắc và định hướng cho việc kinh doanh của mình theo hành lang pháp lý được nhà nước bảo hộ, trừ trường hợp có thiên tai, dịch họa, chiến tranh...
Những mệnh lệnh hành chính chỉ có thể được áp dụng đối với các khu vực kinh tế có vốn 100% của nhà nước.
Nên các yêu cầu này không có các biện pháp chế tài phù hợp để áp dụng nếu các trung tâm thương mại, các siêu thị hoặc các cây xăng không tự nguyện thi hành.
“Trong trường hợp các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ búa, các cây xăng vẫn nghỉ Tết thì phía chính quyền cũng không thể phạt vạ các tổ chức kinh tế này.
Theo Phương Nhi (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)