Được nhận định là kênh đầu tư vua bởi những ưu điểm như dễ mua, dễ bán, chốt lời nhanh… nên sản phẩm đất nền vẫn luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, khi mà dòng sản phẩm này cạn kiệt dần tại Tp.HCM thì xu hướng dạt về vùng ven đã diễn ra một cách nhanh chóng. Đa phần, nhà đầu tư chuyển hướng ăn theo những cơn sốt đất dựa theo thông tin về các công trình hạ tầng, quy hoạch…
Điển hình là cuối năm 2020, một cơn sốt đất cục bộ đã xảy ra ở khu vực huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước ngay sau thông tin khu vực này sẽ xuất hiện sân bay Técníc. Lập tức hàng trăm ngàn nhà đầu tư từ khắp Bắc chí Nam đổ về, khiến giá đất xung quanh khu vực này bị đẩy lên từ gấp 3 – 4 lần so với giá trị thực tế. Thậm chí, có những khu đất tăng giá lên đến 10 lần so với thời điểm trước khi sốt đất. Những khu đất vườn trước đây có giá chỉ 1-2 tỷ đồng thì khi thị trường vào cơn sốt đã bị đẩy giá lên đến 9-10 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của chuyên gia, việc sốt đất xảy ra ở Bình Phước đa phần là do giới đầu cơ tạo nên. Theo tìm hiểu, dựa theo thông tin quy hoạch, giới đầu cơ và cò đất đã tỏa đi gõ cửa nhà dân mồi chài mua bán đất. Cách thức của nhóm người này tự làm giá, đẩy giá lên thật cao để thuyết phục người dân. Khi người địa phương đồng ý bán, họ lập tức xuống cọc, lấy sổ đất đi phôtô hàng chục bộ để rao bán.
Nhóm nào nhanh chân thì gom được những thửa đất ngay mặt đường, có vị trí gần trung tâm, cửa ngõ gần sân bay dự kiến. Những người vào sau đi sâu vào các hộ dân ở trong rẫy cao su. Trong những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ghi nhận quanh khu vực này luôn có hàng trăm nhà đầu tư bất động sản với hàng trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau đậu kín các con đường mỗi ngày.
Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ xảy ra khoảng 1-2 tháng rồi sau đó tắt hẳn. Tính từ tháng 3 năm 2021 lại nay, thị phường Bình Phước bắt đầu im ắng, nhiều dự án rao bán mức giá chỉ 3-7 triệu đồng/m2 nhưng vẫn vắng khách mua. Còn đối với những nhà đầu tư trót ôm hàng trong cơn sốt thì không ít người kẹt chân không thể thoát hàng. Thậm chí, nhiều người bị chôn hàng chục tỷ đồng tại thị trường này, dẫn đến việc kẹt dòng tiền khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở Tp.HCM.
"Tình trạng nhà đầu tư kẹt hàng, chôn dòng tiền ở thị trường Bình Phước rất nhiều. Do ham chốt lời cao, nhiều người thậm chí rút hết tiền ngân hàng, cắm cả sổ nhà, kể cả chấp nhận đi vay thêm để đầu tư tất cả vào đất đang sốt. Nhưng thực tế, thị trường này chỉ sốt khoảng vài tháng, nhà đầu tư nào nhanh chân thì đã kịp thoát 1 nửa.
Còn đối với những nhà đầu tư non kinh nghiệm, do thấy thị trường vẫn lên nên chờ có cơ hội chốt lời cao hơn dẫn đến kẹt lại không thể thoát hàng. Và lẽ dĩ nhiên, khi thị trường hết sốt, giá đất quay trở về trạng thái ban đầu hoặc giảm xuống gần 1 nửa thì nhiều người khóc ròng, bán chốt lời cũng không được, mà muốn thu hồi vốn cũng không xong", một nhà đầu tư ở Tp.HCM tiết lộ.
Cũng tương tự như Bình Phước, thời gian qua một số địa phương cũng xảy ra sốt đất nhưng ở mức độ nhẹ hơn là thị trường Long Thành, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Hồ Tràm.... Đây đều là các thị trường có vị trí khá gần Tp.HCM nên dễ thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, chỉ trong 2 năm 2019-2020, hàng loạt các thông tin quy hoạch như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, hay tuyến đường 319 nối từ Tp.HCM về thẳng Nhơn Trạch… và các thông tin ngoài lề khác đã khiến thị trường các khu vực này trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Chỉ riêng tại thị trường Long Thành, thời gian qua khá nhiều dự án lớn xuất hiện với mức giá được đẩy lên chóng mặt, thậm chí cao hơn gấp đôi so với giá đất thực tế ở địa phương nhưng vẫn thu hút khách mua. Chuyên gia lý giải về hiện tượng này là do nhà đầu tư quá tin tưởng vào các thông tin quảng cáo, hoặc đa phần chỉ có dự định bơm tiền vào một thời gian ngắn rồi "rút chân" để chốt lời vào thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, có lẽ không ai lường trước được tình hình dịch bệnh xảy ra bất thình lình như ở thời điểm hiện tại, khi mà cả nước mỗi ngày có tới hơn 1 ngàn ca bệnh khắp mọi nơi, Tp.HCM phong tỏa toàn thành phố, lúc này thị trường này gần như đứng im. Thậm chí, nhiều khu vực ăn theo hạ tầng đến nay đã rớt giá từ 200-500 triệu mỗi lô đất.
Bàn về hiện tượng sốt đất thời gian qua, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc người dân địa phương chạy theo cơn sốt và bán đi những mảnh đất vốn là nguồn thu nhập chính từ trước tới nay, được đánh giá là đáng quan ngại.
"Hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương, từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính. Đồng thời, đối với những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm nào đã dùng đến đòn bẩy kinh tế, thì họ rất có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kỳ vọng và gánh nặng tài chính quá lớn.
Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động, sản xuất. Vì vậy, người dân cần được nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn sốt ảo", chuyên gia Savills khuyến cáo.