Ghi nhận cho thấy, nếu phân khúc căn hộ tại khu vực này có tín hiệu khả quan về giao dịch thì loại hình đất nền gần như “bất động”. Không có nguồn cung mới, giá giảm nhưng ít người hỏi mua là tình trạng đang diễn ra của loại hình đất nền Bình Chánh (bao gồm đất lẻ thổ cư, đất nông nghiệp, đất vườn).
Đến này, dù xuất hiện thông tin Bình Chánh sẽ lên thành phố vào giai đoạn 2025 – 2030 nhưng đất nền nơi đây vẫn quay đầu giảm giá. Điều này là khá lạ, bởi lẽ trước đây cứ có thông tin về quy hoạch hay hạ tầng là thị trường đất nền lại rộn ràng mua bán và tăng giá. Mức tăng giá của đất nền Bình Chánh hiện tại đạt gần 50% so với giai đoạn 2018- 2019.
Theo các môi giới, nhà đầu tư thay vì đi xem đất hay hỏi han thông tin như trước đây thì hiện tại gần như rơi vào trạng thái “im lìm”. Một số giao dịch xuất hiện nhỏ lẻ trên thị trường Bình Chánh gần đây chủ yếu là đất nền thổ cư và đất vườn giảm giá sâu. Người bán “ngộp” tài chính nên giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt.
Tuy vậy, không phải nhà đầu tư nào bị “ngộp” cũng bán ra được. Có trường hợp chủ đất kẹt tiền vì vay ngân hàng đã chấp nhận bán lỗ gần 40% so với giá mua thời điểm 2019 nhưng vẫn không ai hỏi. Đơn cử, một khu đất có diện tích 1.000m2 trên đường An Hạ, xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh) từ 15 tỉ đồng giảm xuống còn 11 tỉ đồng, nhưng môi giới rao suốt thời gian dài vẫn chưa ai hỏi.
Một lô đất mặt tiền trên đường Thanh Niên (xã Phạm Văn Hai) có giá 14 triệu đồng/m2 hiện xuống còn 10 triệu đồng/m2 vẫn khó bán.
Tại một số khu vực như Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A, Bình Lợi, Tân Nhựt, xã Lê Minh Xuân… giá đất trung bình khoảng từ 8 - 20 triệu đồng/m2; nơi cao ghi nhận 51 triệu đồng/m2, giảm trung bình từ 20-30% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường đất nền Bình Chánh rất ít giao dịch xuất hiện. Nhiều môi giới tự do bỏ nghề. Một số sàn giao dịch trên đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Những nhà đầu tư ôm đất trước đó vẫn “ngóng” thông tin từng ngày.
Anh Hải (ngụ quận Tân Phú, Tp.HCM) mua hai nền đất thổ cư tại huyện Bình Chánh từ cuối năm 2019 đến nay nếu bán ra có thể chưa bằng giá mua vào. Dù xác định đầu tư dài hạn nhưng những khó khăn của thị trường đang khiến dòng vốn của anh chôn vào đất.
Thông tin Bình Chánh lên Thành phố được dự đoán sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển. Tuy vậy, thực tế thị trường cho thấy, dù giảm giá sâu đất nền nơi đây vẫn vắng giao dịch. Nhà đầu tư chưa quay trở lại thị trường.
Không chỉ Bình Chánh, thị trường đất nền các khu vực giáp ranh như huyện Hóc Môn (Tp.HCM), Long An… cũng ảm đạm không kém. Người bán nhiều nhưng người đi mua rất ít. Lâu lâu có một số khách đầu tư hỏi nhưng chưa “xuống tiền”. Nhiều môi giới 3-4 tháng nay chưa thực hiện được giao dịch mua bán nhà đất nào.
Như vậy để thấy, hiện thị trường đất nền Bình Chánh không còn tâm lý ăn theo quy hoạch, hạ tầng như trước đây. Chưa kể, thông tin huyện Bình Chánh được quy hoạch lên thành phố vào 2025 thực ra mới chỉ là ý tưởng, chưa có thông tin chính thức.
Nếu trước đây thông tin này có thể làm xáo trộn thị trường đất nền Bình Chánh, tạo nên những cơn sốt ảo cục bộ thì hiện nay không đủ lực kéo thị trường do những khó khăn chung của nền kinh tế gây ra. Cùng với đó, thu nhập giảm, tâm lý người mua ảnh hưởng khiến họ băn khoăn xuống tiền mua đất lúc này.
Theo các chuyên gia, giai đoạn này, bất động sản chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nên những bất động sản nào có nhu cầu thật như mua để ở, mua để cho thuê, để khai thác thì mới có thể bán được. Nhưng tỉ lệ so với trước vẫn rất ít. Còn bất động sản mang tính đầu tư, đầu cơ vẫn trên đà lao dốc về giá và thanh khoản.
Thực ra, không chỉ Bình Chánh mà nhiều nơi khác ở Tp.HCM cũng đang chịu chung tình trạng này. Giá đất nền trước đây đa phần là giá “ảo”, tăng nhanh sau mỗi đợt sốt. Hiện nay, kinh tế khó khăn, dòng tiền người mua bị ảnh hưởng nên việc họ thận trọng xuống tiền là điều dễ hiểu.
Theo Bảo Anh (Nhịp Sống Thị Trường)