Hàng xuất dư 'Made in Vietnam' được may... gia công ở Hà Nội
Khao khát về một nền kinh tế đi dần tới thịnh vượng đã khiến không ít người mở cờ trong bụng khi nghe dự đoán về sự dịch chuyển gia công giày từ Trung Quốc sang Việt Nam của Giám đốc Điều hành hãng đồ thể thao Adidas. Cuộc tranh cãi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI mang lại gì cho kinh tế Việt Nam vẫn khó có hồi kết, nhưng nhiều lợi ích đã sờ sờ trước mắt.
Từ thông tin trên, sẽ dễ lọt tai hơn những niềm lạc quan rằng, không có chuyện doanh nghiệp FDI rút khỏi dải đất hình chữ S này nếu không được thỏa mãn nhiều ưu đãi hơn nữa. Cũng tương tự, mối lo thất nghiệp trước tuổi 35 phần nào bớt nhức nhối, thành tích xuất khẩu chắc chắn sẽ ghi nhận thêm nhiều con số dát vàng. Việt Nam hân hoan chờ đón viễn cảnh thành đại công xưởng gia công của thế giới, bất chấp cả thực tế buộc phải chấp nhận, món quà dân số vàng có thể chỉ mang lại phận làm thuê.
Thế nhưng, dẫu có đồng tình cơ bản với cách tiếp cận này, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc khiến chúng ta khó có thể nhắm mắt gật đầu. Thậm chí, mặt trái của chiếc áo chưa đẹp phơi bày không chỉ những đường may lỗi.
Thứ nhất, chúng ta có còn nhiều dư địa để đặt lên thảm đỏ chào mời các doanh nghiệp FDI nữa hay không? Theo thông tin đưa ra vào tháng 11/2017, trong năm 2016, khu vực FDI đang được miễn giảm, nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm, ưu đãi trong năm 2016 đạt mức trên 35.300 tỉ đồng. Con số trên chưa tính đến những ‘món quà tặng’ khác như thuế nhập khẩu, thuế VAT... nếu là doanh nghiệp chế xuất, và khoản đầu tư cơ sở hạ tầng để chào mời nhóm doanh nghiệp này. Đã từng có nhận định: một số doanh nghiệp nhận tổng số thuế ưu đãi không kém nhiều so với số vốn đã đầu tư vào Việt Nam. Dường như sự hào phóng của Việt Nam là không có tiền lệ, vì thế lựa chọn đầu tư ở đây vẫn ‘đầy mật ngọt’ với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, từ hàng chục năm trước, đất nước láng giềng của chúng ta đã xác định duy trì vai trò "xưởng sản xuất hàng giá rẻ toàn cầu" sẽ là một trò chơi vô ích. Từ chiến dịch "Made in China" năm 2005, tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã đạt những thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhiều ngành đã vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Chiếc điện thoại Hoa Vĩ trở thành nỗi ám ảnh của cả cơ quan quân đội Mỹ, dù ngoại hình nhái các thương hiệu điện thoại nổi tiếng vẫn là vết đen của hãng này cũng như nhiều ngành sản xuất tại Trung Quốc. Họ đã gia công từ những sản phẩm thô sơ nhất cho tới những mặt hàng áp dụng công nghệ hiện đại nhất và quan trọng hơn, đã tham gia được vào dòng chảy sản xuất này của thế giới. Nhìn lại mình, Việt Nam đang ở đâu?
Xin được nhắc lại rằng, câu chuyện Intel nói thẳng không thể chọn đủ nhân sự cho nhà máy dự định đặt tại Việt Nam vào năm 2009 không hề cũ. Vào năm 2017, cả Airbus và Boeing đều chọn Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam, làm nơi xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay đã chứng tỏ, hơn một chục năm, nền gia công của Việt Nam vẫn không tiến thêm được một bước dài nào đáng kể. Có thể nhiều nhà máy cần nhiều nhân công, sẽ không có chuyện người lao động phải chịu cảnh 'đứt gánh giữa đường' nhưng phải nghĩ sao nếu một nữ công nhân gần 60 tuổi vẫn cặm cụi đứng máy trong dây chuyền dệt nhuộm hay sản xuất da giày. Tuổi hưu có thể tăng nhưng sức khỏe của họ không vì thế mà được cải thiện. Sẽ còn nhiều tiếng thở dài…
Và nữa, cả thành tích xuất khẩu hay kỷ lục tăng trưởng GDP có là con số đẹp khi nền sản xuất trong nước không có nội lực, bị lấn át trên chính sân nhà? Từ năm 2015, Việt Nam đã phải vay để đảo nợ. Liên tục hai năm 2016, 2017, chúng ta đã phải vay hàng trăm ngàn tỷ đồng để trả nợ gốc. Mức tăng trưởng GDP tốt có thể là sự trấn an, thậm chí là động lực khiến các chủ nợ nước ngoài tiếp tục mở hầu bao khi và chỉ khi những khoản vay đã có được trả đúng hạn. Nhiều người ước ao, thông tin trong Báo cáo các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016 công bố tháng 2/2018 được lắng nghe với đôi tai rộng mở hơn. Dù bị chèn ép trên chính sân nhà, khu vực tư nhân đang có mức đóng góp gần gấp đôi khu vực FDI và khu vực nhà nước. Thế nhưng, tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập bị giải thể cao, cùng với xu hướng ‘li ti hóa’ chứng tỏ khối tư nhân ngày càng khó gánh gồng trách nhiệm đặt nặng trên vai.
Viễn cảnh càng thêm ảm đạm bởi những điều đang hiện hữu trước mắt. Những người Việt hiện đại đang đi dép Gucci, mặc váy Chanel, đeo túi Micheal Kors, Coach hay Burberry, nhưng đa số đều là… hàng xuất dư. Trong khi đó, các thương hiệu như giày Thượng Đình, dệt kim Đông Xuân, dệt kim Hà Nội… đang chật vật cạnh tranh. Không phải quá lộng ngôn khi nói rằng, làm hàng nhái dễ bán hơn hàng thật, đặc biệt với vị thế là người gia công, rất dễ làm hàng nhái. Người Việt không sính ngoại đến vậy nhưng về mẫu mã, các thương hiệu Việt khó chạy đua với các đại gia nước ngoài. Vòng luẩn quẩn lại xuất hiện bởi nếu không bán được hàng, nói gì đến chuyện mạnh tay đầu tư cho mẫu mã. Chưa cần đề cập tới mối lo mất thị trường bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp Việt cũng đã ăm ắp khó khăn.
Đã có quyết tâm muốn thay đổi thực trạng này, buộc khối FDI dù muốn hay không cũng phải liên kết và hỗ trợ với khối doanh nghiệp trong nước. Dự thảo Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giai đoạn 2018 - 2023 vừa công bố thể hiện một cách tiếp cận mới với nguồn đầu tư này, theo đó tập trung vào các dự án lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời tăng cường liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước. Lại gạt sang một bên lo lắng chúng ta thay đổi có còn kịp, sự khấp khởi trước thông tin do Giám đốc Adidas đưa ra cho thấy, vẫn cần nhiều nỗ lực để thay đổi ‘chiến lược làm thuê’.
Đường còn rất xa, hành trang là tài nguyên, nguồn lực lại đang vơi cạn. Chỉ với một ý chí sắt đá không chấp nhận nền kinh tế kém phát triển, như điều mà người Nhật đã làm được sau đống đổ nát của chiến tranh, mới có nhiều hi vọng để thành công. Liệu người Việt có đủ tự tin?
Theo Khánh Nguyên (Đất Việt)