"Tuần trăng mật" của Uber với khách hàng Việt đã hết?

05/06/2017 19:58:00

Gần đây, nhiều người dùng mới phát hiện Uber đã bỏ thông báo về mức tăng giá cước giờ cao điểm, cũng như bước xác nhận chấp thuận tăng giá.

Gần đây, nhiều người dùng mới phát hiện Uber đã bỏ thông báo về mức tăng giá cước giờ cao điểm, cũng như bước xác nhận chấp thuận tăng giá.

'Ngã ngửa' vì Uber ẩn mức tăng cước giờ cao điểm

Chị Thảo cho hay khi đặt xe chị không hề thấy thông báo giá cước tăng 1,7 lần, cũng như không có bước xác nhận của hành khách chấp thuận mức giá đã tăng bằng cách nhập xác nhận (nếu tăng 1,7 lần nhập 1 và 7) như chị thường sử dụng.

'Tuan trang mat' cua Uber voi khach hang Viet da het? hinh anh 1

Thay vì hai bước rõ ràng, bao gồm thông báo mức tăng giá cước giờ cao điểm và yêu cầu khách hàng xác nhận đi giá cao (trái), Uber đã bỏ hoàn toàn và chỉ để lại một dòng thông báo nhỏ. Đồ họa: Ngô Minh.

"Nếu biết tăng cước 1,7 lần tôi sẽ không đi UberX mà dùng loại xe khác. Cũng do tôi đã đi quãng đường này quá nhiều nên không nhìn giá cước, thấy không có thông báo tăng cước từ phía Uber như thường lệ nên cứ gọi xe", chị Thảo bức xúc.

Để xác nhận lại thông tin từ chị Thảo, Zing.vn trực tiếp gọi một cuốc xe UberX vào giờ cao điểm. Và biểu giá của chuyến xe chỉ hiện thị dòng chữ rất nhỏ "giá cước đang cao hơn vì nhu cầu cao", thay vì hiển thị rõ ràng mức tăng giá và bỏ qua hẳn bước nhập số lần tăng giá để xác nhận gọi xe giá cao.

Trao đổi với tài xế của chuyến xe, anh này cho hay không biết thông tin mức tăng giá cước không còn được hiển thị như khách hàng phản ánh. Trên tài khoản của lái xe, mức tăng vẫn được hiển thị rõ cho đối tác của Uber.

Tài xế chia sẻ chuyến đi của PV. Zing.vn đang nhân 1,6 lần giá cước. Chuyến xe giá cước 33.000 đồng giờ bình thường đã lên tới 53.000 đồng, và không được hiển thị thông báo rõ ràng, cũng như không có bước xác nhận "chấp thuận giá cao" như Uber từng áp dụng.

Thực tế, nhiều tháng nay Uber đã bỏ hẳn các bước này nhưng không thông báo với khách hàng. Chính vì vậy mà nhiều khách cùng "ngã ngửa" và cho rằng những cuốc xe này bị nhân giá "ẩn".

Chị Hà ở quận 9, TP.HCM cho biết từ gần 3 tháng nay chị đã thấy Uber mập mờ chuyện tăng giá giờ cao điểm. Khi gọi xe, nếu trùng giờ cao điểm (do phía Uber ấn định) khách chỉ thấy vỏn vẹn dòng chữ: cước phí tăng do nhu cầu đi lại tăng cao rất nhỏ phía trên giá tiền. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây khi gọi Uber, khách hàng liên tục nhận được thông báo tăng cước, bất kể là 9h, 10h hay 18, 19h trong ngày.

Chị Hà cho biết, đoạn đường 3 km bình thường chị vẫn đi với giá 36.000 đồng bằng Uber hoặc 50.000 đồng với taxi truyền thống được Uber đẩy lên có thời điểm đến 89.000 đồng. Đặc biệt trong 2 tuần gần đây, mức giá 36.000 đồng rất ít khi gọi được, đa phần ở 45.000-48.000 đồng. 

'Tuan trang mat' cua Uber voi khach hang Viet da het? hinh anh 2

Ở thời điểm này, khách hàng có nhu cầu đi lại sẽ mở app gọi Uber, Grab, nhưng khi không hài lòng với giá cả thì quay về gọi taxi truyền thống. Đồ họa: Châu Châu.

"Riêng trong ngày 1/6 vừa qua, từ 17h đến khoảng 21h, lúc nào gọi xe cũng bị tính giờ cao điểm. Uber cũng nhắn tin thông báo khuyến mãi. Đoạn đường này có thời điểm mở app tôi nhìn thấy giá 15.000 đồng, nhưng chưa bao giờ gọi được. Đặt là hệ thống tự đẩy ra, và chỉ thao tác quay lại đặt cuộc xe mới đã đổi lên giá 4.8000 đồng", chị Hà nói. 

Anh Huy, khách hàng ruột của Uber từ khi hãng xe công nghệ này mới có mặt tại TP.HCM, gần đây cũng phản ứng cước phí tăng khó chấp nhận, và việc tính giờ cao điểm bất cứ thời gian nào trong ngày của Uber. Anh cho biết bình thường đi Uber từ nhà (quận 2) đến công ty ở đầu đường Lê Đại Hành (quận 11) giá khoảng 150.000 đồng, gần đây anh phải trả hơn 250.000 đồng dù không phải giờ cao điểm.

"Thậm chí có hôm để tránh bị tính giờ nhu cầu tăng như Uber báo, tôi gọi xe từ sáng sớm vẫn bị tính giá cao hơn gần 40%. Dường như tuần trăng mật ngọt ngào của Uber với khách Việt đã không còn nữa", anh Huy nói.

Mang cơ chế bị "ném đá" ở nước ngoài về Việt Nam

Cơ chế tăng giá cước khi nhu cầu di chuyển của khách hàng tăng được Uber giải thích là nhằm tạo môi trường cung cầu minh bạch, giúp tài xế có thu nhập tốt hơn, kéo nhiều tài xế tham gia vận chuyển trong giờ cao điểm hơn.

Tuy nhiên, cơ chế này là một trong những điểm bị chỉ trích nhiều nhất trong hoạt động của Uber tại Việt Nam. Do nhiều trường hợp ngoài giờ cao điểm, nếu xảy ra mưa bão hay nắng lớn, giá cước Uber tăng vọt, vượt cả giá cước taxi truyền thống, khiến khách hàng chuyển sang loại hình vận tải khác, tài xế của Uber bị mất thu nhập.

Cơ chế này còn bị "ném đá" dữ dội tại Anh vào những ngày gần đây. Người dùng kêu gọi tẩy chay Uber do tăng giá cước ở London khi nhu cầu sơ tán tăng cao sau vụ khủng bố bằng xe hơi và dao xảy ra, khiến ít nhất 6 dân thường đã thiệt mạng, 30 người bị thương. Người dùng Uber tại London cho rằng đây là hành động tranh thủ sự hỗn loạn và đau thương để trục lợi của ứng dụng gọi xe.

Nhiều tài xế Uber, Grab khẳng định đang cảm thấy hụt hơi mỗi ngày khi việc cạnh tranh rất gây gắt, trong khi các chính sách hỗ trợ của hãng ngày càng khó.

Anh Tâm, một chủ xe ở quận 4, cho biết chính sách hỗ trợ gần đây nhất là thưởng 1 triệu đồng Uber đưa ra, nhóm tài xế bạn bè anh gần chục người không ai đáp ứng được.

"Họ quy định mỗi ngày phải chạy đủ hơn 20-30 cuốc trong 3-5 ngày như vậy mới được thưởng. Chúng tôi không ai chạy nổi", anh Tâm nói.

'Tuan trang mat' cua Uber voi khach hang Viet da het? hinh anh 3

Các hãng taxi công nghệ liên tục cho ra mắt ứng dụng giá rẻ nhưng chất lượng phục vụ của tài xế lại giảm so với thời kỳ đầu ra đời. Ảnh minh họa.

Cũng theo tài xế này, nhiều tài xế thuê xe để chạy hoặc mua xe trả góp ngân hàng hiện nay hết sức khó khăn, phải "cày ngày cày đêm" mong đạt doanh thu 30 triệu mỗi tháng để có thể hòa vốn, nhưng điều này không dễ. 

Anh Tâm tính, tiền thuê xe 12 triệu mỗi tháng. Cứ mỗi sáng thức giấc là thấy 'mất' 400.000 đồng nên bằng mọi giá cứ mở mắt dậy là phải mở app chờ khách gọi.

Tài xế này cho biết thêm, chạy miệt mài từ sáng đến tối nếu được 1 triệu đồng thì dành 400.000 đồng trả tiền thuê xe, 200.000 đồng chi cho tổng đài. Còn lại chỉ 400.000 đồng trừ xăng xe, điện thoại, thuế thu nhập cá nhân, ăn uống trong ngày coi như hết. Ngày nào may mắn chở khách đi tỉnh, đi những tuyến đường xa thì có thu nhập khá, còn khách đi loanh quanh các đoạn gần, gặp kẹt xe thì coi như lỗ nặng.

Dịch vụ nửa vời

Giai đoạn đầu năm 2015 đến giữa 2016 là thời kỳ đỉnh cao của loại hình chạy xe Uber, khi đó người dùng bắt đầu biết đến loại hình xe này và sử dụng nhiều. Giá xe chạy Uber rẻ, liên tục có khuyến mãi, phần mềm lại nhanh chóng và tiện lợi nên được nhiều người lựa chọn.

Grab ra mắt sau cũng không chịu kém cạnh Uber, khi liên tục có chính sách hỗ trợ khách hàng.

Theo một số người dùng sử dụng dịch vụ của cả 2 hãng, việc so sánh giá Uber và Grab khá khó khăn, bởi mỗi bên lại có một lợi thế nhất định. Tuy nhiên, ở thời điểm "người dùng mở app ra là thấy Uber, Grab" thì đáng nói, càng khó khăn nhiều tài xế xe công nghệ lại khiến khách mất lòng.

Với Grab, tài xế được nhìn app biết đoạn đường khách đi, giá tiền nên nếu khi khách gọi xe, nếu không "hứng thú" với đường đi hay chê cước phí thấp thì tài xế dễ từ chối bằng cách tắt app. Đây là điều khiến nhiều khách hàng khẳng định gọi Grab car khó hơn Uber.

Trong khi đó, theo quy định của Uber, tài xế khi chưa gặp khách hàng sẽ không biết giá tiền cũng như điểm đến của khách. Tuy nhiên, gần đây khi gọi điện xác nhận với khách, tài xế Uber thường thường "kèm" câu hỏi: khách đi đâu, xa hay gần. 

Điều khiến khách bức xúc là khá nhiều tài xế Uber, Grab không giúp khách mở cửa xe, vận chuyển đồ, thậm chí khách có trẻ con nhỏ tài xế vẫn dửng dưng ngồi trong xe để mặc khách tự xoay sở. Tuy nhiên, nếu khách vô tình làm bẩn ghế, ngay lập tức thể hiện thái độ khó chịu, thậm chí phản ứng gây gắt với khách. Điều này không hề có ở taxi truyền thống, do các hãng taxi làm khá tốt khâu đào tạo làm dịch vụ.

Trong khó khăn phải chật vật cạnh tranh, một số tài xế xe công nghệ còn thuyết phục khách làm động tác hủy chuyến, sau đó vẫn chở khách đi bình thường, để không phải mất phí đóng cho hãng.

Theo Ngô Minh - Hồng Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)