Từ vụ Mường Thanh xây trái phép, nên bỏ "nộp tiền khỏi đập"

19/05/2017 15:33:00

Đã đến lúc cần sớm ban hành nghị định mới về xử phạt vi phạm xây dựng nghiêm khắc hơn, tuyệt đối không dung túng, không tiếp tục tạo ra tâm lý có thể dùng nhiều tiền để “chuộc” sai phạm.

Đã đến lúc cần sớm ban hành nghị định mới về xử phạt vi phạm xây dựng nghiêm khắc hơn, tuyệt đối không dung túng, không tiếp tục tạo ra tâm lý có thể dùng nhiều tiền để “chuộc” sai phạm.

Khách sạn Mường Thanh xây không phép tại 81 Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) năm 2016 -Ảnh: THÁI THỊNH

Ứng với Luật xây dựng 2014 (có hiệu lực từ đầu năm 2015) thì nhiều quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, theo hai nghị định 180/2007 và 121/2013 đã không còn phù hợp. 

Thế nhưng sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý thì đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa đệ trình dự thảo hoàn chỉnh để Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế.

Theo nghị định 121, không phải công trình xây dựng không phép, sai phép nào cũng bị buộc tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Nếu thỏa mãn một số điều kiện thì các công trình trái phép vẫn được bảo toàn nguyên vẹn và được các cơ quan có thẩm quyền cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Các điều kiện này là: khi bị phát hiện thì công trình đã hoàn tất, chủ đầu tư đóng tiền phạt và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được (bằng 40% giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ hoặc bằng 50% đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng).

Dự thảo nghị định mới thay thế hai nghị định trên vẫn tiếp tục việc “châm chước” này đối với các công trình đã kết thúc trước ngày 30-11-2013 (thời điểm nghị định 121 bắt đầu có hiệu lực) với hai phương án để Chính phủ lựa chọn.

Đó là giữ nguyên hai mức nộp nêu trên, hoặc chỉ thu đối với các chủ đầu tư “khủng”, không thu của hộ gia đình, cá nhân.

Trong quá trình lấy ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng đã nhận được góp ý của nhiều tỉnh đề nghị bãi bỏ quy định “châm chước” nêu trên.

Lý do là không phù hợp với Luật xử phạt vi phạm hành chính và có thể tạo ra tiền lệ “phạt cho tồn tại”. Một số ý kiến khác thì đề nghị chọn phương án 2 của dự thảo.

Điều đáng nói là việc thực hiện quy định nộp “chuộc” từ lâu đã bộc lộ nhiều bất ổn. Không chỉ lúng túng, khó xác định số lợi phải nộp đối với các công trình “gạo đã thành cơm” theo yêu cầu của nghị định 121/2013, chính quyền ở nhiều nơi còn có sự lạm dụng “châm chước” ấy để đặt mọi việc vào chuyện đã rồi.

Thay vì bắt buộc các chủ đầu tư phải tháo dỡ ngay các diện tích vi phạm và tổ chức cưỡng chế thực hiện thì nhiều địa phương đã chấp thuận cho họ tiếp tục hoàn thành công trình sau khi đóng phạt xong.

Từ chỗ cứ xây trái phép để có lợi ích tối đa và rồi đâu sẽ vào đó mà các vi phạm như kiểu của Mường Thanh rải đầy từ Nam ra Bắc.

Đã đến lúc cần sớm ban hành một nghị định mới về xử phạt vi phạm xây dựng với nhiều quy định nghiêm khắc, tuyệt đối không dung túng cho vi phạm, không tiếp tục tạo ra tâm lý có thể dùng nhiều tiền để “chuộc” sai phạm, tạo ra sự bất bình đẳng với những người tuân thủ pháp luật.

Và tất nhiên là trong lúc chờ đợi, các địa phương bắt buộc phải làm đúng nghị định 121/2013 nhằm không để tái diễn tình trạng “đa kim ngân phá luật lệ” khiến pháp luật về xây dựng bị coi thường.

Từ các vụ xây dựng trái phép lớn lần lượt được hợp thức hóa khiến dư luận rất bức xúc (các công trình “khủng” của Mường Thanh là một đơn cử), có lẽ đã đến lúc Chính phủ nên chỉ đạo rà soát, kịp thời chấn chỉnh cách thức xử lý của các địa phương, trong đó có việc xem xét bãi bỏ việc “nộp nhiều tiền thì sẽ được tồn tại” cả cho việc nộp công khai lẫn không công khai!

Theo Thành Nguyên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật